Giá sữa giảm mạnh trước thời điểm áp giá trần

11:13 | 04/06/2014 Print
(TBTCVN) - Không cần chờ đến ngày 21/6/2014, ngày chính thức áp dụng chính sách giá trần bán lẻ đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, mà ngay từ bây giờ, người tiêu dùng đã có thể mua được một số sản phẩm sữa với giá bình ổn.

Giá sữa bình ổn giảm mạnh

Đi đầu trong việc thực hiện chủ trương bình ổn giá, ngay từ cuối tháng 5/2014, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A đã thông báo tới các đại lý về việc áp dụng giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ khuyến nghị mới cho 5 mặt hàng sữa Abbott có trong danh mục 25 sản phẩm bị áp giá trần từ ngày 28/5, sớm hơn gần 1 tháng so với quy định. Cho đến thời điểm này, nhà phân phối độc quyền các sản phẩm Abbott cũng là doanh nghiệp (DN) duy nhất thực hiện quy định giá trần.

Theo đó, 5 mặt hàng sữa Abbott được công bố bảng giá bán lẻ khuyến nghị mới gồm: Abbott Grow 3 (loại 900gr/lon) có giá 271.000 đồng/lon; Similac Gain Plus IQ với Intelli-Pro (900gr/lon) giá 425.000đồng/lon; Similac Gain Plus IQ với Intelli-Pro (1,7kg/lon) giá khuyến nghị mới 727.000 đồng; Grow G - Power Vanilla (900gr/lon) giá mới 378.000 đồng/lon; Grow G-Power Vanilla (1,7kglon) giá khuyến nghị mới 641.000 đồng/lon.

Các mức giá bán lẻ khuyến nghị mới này chỉ cao hơn 5% giá bán buôn tối đa, trong khi tỷ lệ chênh lệch cho phép tối đa là 15%. Nếu so với giá bán buôn đã kê khai (đã bao gồm VAT) của Công ty 3A tại thời điểm trước khi quyết định áp giá trần được ban hành, giá bán lẻ khuyến nghị mới của 5 mặt hàng trên có giá bán thấp hơn từ 41 nghìn đến 140 nghìn đồng/lon.

Cụ thể: Abbott Grow 3 (loại 900gr/lon) có giá thấp hơn 41.000 đồng/lon; Grow G - Power Vanilla (900gr/lon) thấp hơn 60.000 đồng/lon; Similac Gain Plus IQ với Intelli-Pro (900gr/lon) thấp hơn 83.000đồng/lon; Similac Gain Plus IQ với Intelli-Pro (1,7kg/lon) thấp hơn 140.000 đồng và Grow G-Power Vanilla (1,7kglon) giá thấp hơn 103.000 đồng/lon.

giá sữa giảm mạnh trước thời điểm áp giá trần
Bảng giá sữa bình ổn được các đại lý sữa dán công khai theo đề nghị của DN phân phối.

Kèm theo bảng giá mới, chị Lê Thị Hoa, chủ đại lý sữa trên đường Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, Công ty 3A cũng cam kết hỗ trợ 100% khoản chênh lệch giữa giá cũ và giá mới của số hàng tồn kho tính đến hết 27/5 bằng chính các mặt hàng này với giá trị tương ứng. Theo đó, các cửa hàng sẽ được kiểm kê và hỗ trợ phần chênh lệch giá bán theo mức mới và mức giá nhập trước đó.

Ngoài nhà phân phối độc quyền các sản phẩm sữa Abbott, chị Hoàng Anh, chủ cửa hàng sữa trên phố Định Công, Hà Nội cho biết, một số hãng sữa khác cũng đã gửi văn bản thông báo về chính sách bình ổn giá của Bộ Tài chính, cùng cam kết hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá cũ và giá mới với số sữa mà các cửa hàng đã nhập trước đó. Tuy nhiên, danh mục cụ thể các sản phẩm sẽ phải thực hiện giá trần chưa được các DN này công bố.

Xử lý nghiêm các chiêu “lách luật”

“Nhờ chính sách bình ổn, mỗi tháng gia đình tôi có thể tiết kiệm được vài trăm nghìn tiền sữa cho con”, chị Liên ở khu đô thị mới Xa La, Hà Đông vui vẻ cho biết. Tuy nhiên bà mẹ có 2 con nhỏ này cũng rất băn khoăn, ngoài 25 sản phẩm sữa trong danh mục bình ổn đã được công bố, các sản phẩm còn lại có phải thực hiện giá trần hay không?

Bởi trong thông báo gửi đại lý, DN sữa mới chỉ đề cập đến 5 sản phẩm của mình trong danh mục 25 sản phẩm đã công bố, các mặt hàng sữa khác vẫn được đề nghị giữ nguyên giá bán. Chưa kể, cơ quan quản lý sẽ giám sát ra sao để các DN sữa không dùng những “chiêu trò” thay đổi mẫu mã, tên gọi... để tránh việc bị kiểm soát bởi giá trần, cũng như kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về giá tại các công ty, đại lý, cửa hàng sữa?

“Mặc dù hãng Abbott đã công bố mức giá bình ổn của một số sản phẩm sữa thực hiện từ 28/5, nhưng chiều 2/6 vào siêu thị trên đường Trương Định, tôi vẫn thấy niêm yết mức giá cao hơn năm sáu chục ngàn so với giá bán lẻ khuyến nghị của doanh nghiệp”, chị Trang, ở Giáp Bát, Hoàng Mai phản ánh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về áp trần giá sữa có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, nhưng giá bán buôn được áp dụng sau 10 ngày (tức 11/6/2014), còn giá bán lẻ được áp dụng sau 20 ngày (tức 21/6/2014).

“Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn khuyến khích các DN thực hiện ngay quy định giá trần đối với 25 sản phẩm trong danh mục. Các sản phẩm còn lại sẽ tiếp tục tính toán, thực hiện giá trần bán buôn từ 11/6 và bán lẻ từ 21/6”, ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cũng khẳng định, việc áp giá trần đối với sữa cho trẻ dưới 6 tuổi không chỉ giới hạn ở 25 nhãn hàng đã công bố. Các mặt hàng không thuộc danh mục này và các sản phẩm mới sẽ phải tính giá trần tương ứng với quy cách và trọng lượng sản phẩm theo hướng dẫn tại Công văn 6544/BTC-QLG của Bộ Tài chính. Theo đó, DN phân phối và các khâu bán lẻ sẽ phải thực hiện mức giá tối đa đối với tất cả các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng thời gian quy định trên.

“Mục tiêu bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là quyết tâm của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cần sự chung sức đồng lòng của các cấp, các ngành và địa phương”, ông Tuấn nói.

Do đó, quy định bình ổn giá được thực thi nghiêm, ngoài việc gửi công văn đề nghị địa phương cùng vào cuộc, phối hợp, Bộ Tài chính đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành mức giá tối đa ở các khâu bán buôn, bán lẻ trên địa bàn theo quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam