Ngộ độc rượu: Cẩn trọng để cuộc vui không trở thành thảm kịch

09:41 | 17/12/2013 Print
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, vụ ngộ độc "Rượu nếp 29 HN”, với 6 người tử vong, đang gây xôn xao dư luận. “Thường thì vào những ngày cuối năm và đầu năm mới, số ca ngộ độc rượu có xu hướng tăng, nhất là dịp Tết nguyên đán”, TS Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cảnh báo.

Người tiêu cùng cần thận trọng hơn trong việc sử dụng rượu. Ảnh: ST

30% tử vong do ngộ độc thực phẩm là tác nhân từ rượu độc

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, trong số các trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm thì có đến gần 30% do ngộ độc rượu.

Từ vụ ngộ độc rượu 2 người chết ở Phú Thọ (tháng 2/2013), 5 người chết ở Ninh Thuận (tháng 5/2013), 2 người chết tại Lào Cai (tháng 6/2013), 2 người chết ở Lâm Đồng (tháng 9/2013) đến vụ ngộ độc nghiêm trọng làm chết 6 người ở Quảng Ninh diễn ra đầu tháng 12 vừa qua…Đã khiến dư luận xôn xao về chất lượng rượu cũng như đặt câu hỏi về sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng trước khi những sản phẩm này đến với người tiêu dùng.

Bác sỹ Trần Thị Kim Hiền, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khoảng 2 tháng trở lại đây mỗi ngày trung tâm tiếp nhận gần 10 ca ngộ độc rượu, có ngày cao điểm lên tới hơn chục ca. Trong đó, hơn 10% số ca gây tử vong.

Đây quả là một con số không hề nhỏ, bởi đa số các ca ngộ độc rượu nêu trên tại Bệnh Viện Bạch Mai có bệnh nhân đều là người Hà Nội hay các tỉnh thành lân cận. Bên cạnh đó, còn bao nhiêu bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện, trung tâm y tế và trạm xá thì rõ ràng chưa thể có một con số thống kê chính xác.

Trên thực tế, chúng ta thấy rằng, một hạn chế vô cùng nguy hiểm đó là người tiêu dùng nước ta có tập quán sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Các chuyên gia y tế đánh giá, nguyên nhân chính của đại đa số ca tử vong do ngộ độc rượu là do uống rượu không rõ nguồn gốc.

Rượu vào danh sách "đen"... để thanh kiểm tra

Theo thống kê của Cục ATTP, hiện cả nước có gần 330 cơ sở sản xuất rượu. Trong đó có 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng cũng lên đến gần 1 triệu lít/năm và các hộ gia đình sản xuất trung bình khoảng 250 triệu lít rượu/năm.

“Trên thực tế, thị trường rượu của nước ta rất khó quản lý. Rượu lậu, rượu giả và rượu tự nấu không đảm bảo chất lượng an toàn bán chui khắp nơi. Nhất là ở các quán ăn vỉa hè. Trong khi đó, chất lượng của rượu ra sao, nguồn gốc như thế nào, xuất xứ ở đâu…đa số người tiêu dùng của nước ta chẳng hề quan tâm. Chính điều này đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe người tiêu dùng”, TS Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATTP chia sẻ.

Từ giờ đến Tết nguyên đán Giáp Ngọ, chúng tôi sẽ đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra ATVSTP. Đồng thời, triển khai lực lượng tiếp tục tiến hành kiểm nghiệm hàm lượng các mẫu rượu đang lưu hành trên thị trường, kể cả rượu tự nấu ở một số cơ sở tư nhân, ông Phong cho biết thêm.

Cuối năm đang cận kề, vào nhũng ngày này, khắp nơi nơi, khắp cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…đều tổ chức tiệc tùng liên hoan, tất niên, chào đón năm mới. Và đều có một điểm chung muôn thuở đó là thứ đồ uống không để thiếu: Rượu.

Tuy nhiên, sau một loạt vụ chết người xảy ra do ngộ độc rượu, đã đến lúc người tiêu dùng cần cẩn thận trọng hơn trong việc sử dụng thứ đồ uống này, để tránh cho những buổi tiệc mừng lại trở thành những thảm kịch./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam