Thị trường rau an toàn: Cao về nhu cầu, nhưng vẫn thấp niềm tin

13:20 | 11/12/2013 Print
Nhu cầu về thực phẩm ngày càng tăng khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Cửa hàng rau sạch, rau an toàn (RAT) cũng theo đó mà xuất hiện ngày càng nhiều trong siêu thị, chợ và trên mọi nẻo đường. Tuy nhiên, đa số người tiêu dùng vẫn băn khoăn về chất lượng thực sự của cái mác RAT.

Nhu cầu lớn

Chất lượng cuộc sống càng cao thì nhu cầu về an toàn trong chế độ ăn uống càng được quan tâm. Chính vì thế, việc lựa chọn thực phẩm an toàn được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. “Đã có rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra chỉ vì ăn rau dính thuốc trừ sâu nên trong vòng 3, 4 năm trở lại đây, tôi thường mua rau ở các cửa hiệu RAT. Giá cả cao hơn nhưng đổi lại là mình hoàn toàn yên tâm về chất lượng”, chị Trần Thị Mai (Khu tập thể Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

“Hiện sản lượng RAT chỉ chiếm 8-8,5% diện tích rau của cả nước. Tại Hà Nội hiện có hơn 7 triệu dân, nhu cầu rau xanh khoảng 2.600 tấn/ngày, tương đương 950.000 tấn/năm, nhưng sản lượng rau của Hà Nội hiện mới đạt 600.000 tấn/năm, trong đó RAT đáp ứng được 14-15%”, ông Trần Công Thắng (Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn) cho biết.

Gần đây, ở Hà Nội xuất hiện rất nhiều cửa hàng kinh doanh RAT và thị trường này đang “nóng” dần lên khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp Hà Nội, đến nay toàn thành phố có hơn 60 cửa hàng, điểm bán rau an toàn, sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50 - 120 kg/cửa hàng/ngày.

Bên cạnh đó, Hà Nội có 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT, sản lượng trung bình từ 80 - 200 kg/siêu thị/ngày. Ngoài ra, có 72 điểm phân phối RAT tại khu dân cư, cơ quan, tập trung chủ yếu ở các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm.

Chị Hà Thị Thủy - chủ cửa hàng RAT trên phố Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết: "Cửa hàng kinh doanh của tôi đã bước sang năm thứ 3. Đa số khách hàng là công chức và là khách hàng quen 3 năm nay. Chúng tôi thường nhập rau ở những địa chỉ tin cậy tại một số HTX RAT ở Hoài Đức (Hà Nội) như: Tiền Lệ, Phương Viên". Mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ trung bình từ 50 - 80kg rau củ quả các loại. Những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, lượng rau tiêu thụ tăng lên tới 100 - 120kg.

Trên thực tế, bên cạnh ưu thế về chất lượng, độ an toàn thì những cửa hàng RAT còn là một thị trường khá ổn định về nguồn cung ứng cũng như giá cả. Chị Trương Thanh Nga, nhân viên Cty thực phẩm Phú Quý, chi nhánh cửa hàng 5Food tại số 48A Liễu Giai (Hà Nội) cho hay: "Lúc thị trường rau khan hiếm do ngập lụt hoặc lễ tết, khiến cho mức giá "sốt" thì giá RAT tại các cửa hàng, siêu thị của chúng tôi lại tương đối ổn định. Nguồn rau cung ứng cũng được lên kế hoạch và đặt hàng trước từ các vùng như: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Hà Đông... nên chúng tôi không lo thiếu cung. Đây cũng là ưu điểm của các chuỗi cửa hàng RAT”.

Thị trường rau an toàn: Cao về nhu cầu, nhưng vẫn thấp niềm tin
Người tiêu dùng mua hàng nhưng vẫn lo lắng về chất lượng RAT. Ảnh: TU

Rau an toàn có thực sự an toàn?

Đây là câu hỏi của tất cả các bà nội trợ khi đến với các cửa hàng RAT. “Tôi vẫn thường đến các cửa hàng RAT để mua lượng rau ăn cho cả tuần. Đã bước vào đây thì cũng có phần nào yên tâm hơn về chất lượng so với rau ở chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, chất lượng đến đâu, chất lượng như thế nào, có kiểm định chứng nhận hay không, thì hầu hết các cửa hàng vẫn chưa chú trọng đến các thông tin trên sản phẩm của mình, người tiêu dùng vẫn chẳng biết đâu mà lần”, bà Đoàn Thị Lan (Thái Hà, Hà Nôi), chia sẻ.

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào nguồn gốc, chất lượng của RAT. Mặt khác, nhiều người vẫn có thói quen mua rau tại các chợ tạm, chợ cóc gần nơi sinh sống. Chính vì vậy mà tuy cửa hàng bán RAT mọc lên nhiều, nhưng dường như chỉ có các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm RAT được các cơ quan chức năng (như Sở NN&PTNT chẳng hạn) hỗ trợ kinh phí, hoặc mặt bằng mới duy trì được mức tiêu thụ cao và ổn định. Một số cửa hàng tự phát thì hoạt động chưa bền vững, hiệu quả chưa cao.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tân Lộc - Chuyên viên nghiên cứu thị trường, Viện Nghiên cứu rau quả khẳng định, một số người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng và yên tâm khi sử dụng RAT do việc thiết lập mạng lưới tiêu thụ từ thu mua, đóng gói, bảo quản đến phân phối rau trên thị trường của ta chưa đồng bộ; quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, để RAT thực sự có chỗ đứng trên thị trường, điều quan trọng phải tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

“Điều quan trọng hơn cả mà người tiêu dùng chúng tôi quan tâm là mua được rau đảm bảo chất lượng. Muốn tạo được niềm tin người tiêu dùng thì đầu tiên là sản phẩm phải có tem nhãn chứng minh nguồn gốc rõ ràng, có cơ sở chịu trách nhiệm khi người sử dụng gặp “vấn đề” với sản phẩm”, bà Trần Minh Hương (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết.

Được biết, hiện hầu hết các hợp tác xã, địa phương sản xuất RAT trong địa bàn thành phố Hà Nội đều thực hiện nghiêm chỉnh quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm để bảo đảm chất lượng rau trước khi xuất ra thị trường. Bên cạnh đó, để chứng minh chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trên rau, đã có 21 cơ sở thí điểm dán tem nhận diện "RAT Hà Nội" được gắn trên các sản phẩm rau bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị, chợ...

Tuy nhiên, để có được niềm tin và uy tín với người tiêu dùng thì bên cạnh chất lượng cần có thời gian để thay đổi thói quen của họ./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam