Rau, củ, quả sạch vì sao vẫn ế ẩm?

14:46 | 19/09/2013 Print
Người tiêu dùng thì ai cũng muốn dùng rau, củ, quả sạch. Nhưng vì sao các cửa hàng mang biển hiệu bán loại thực phẩm sạch này lại vẫn ế ẩm? Thực tế đó cho thấy, đây vẫn là một bài toán chưa có lời giải hiện nay.

Biến tầng thượng thành nơi trồng rau sạch đang phổ biến ở nội thành Hà Nội.

Người dân “khát” rau, củ, quả sạch

“Mua rau đi em. Rau nhà trồng còn thừa một ít chị mang ra chợ bán. Mua ổi em ơi, ổi vườn nhà, quả nhỏ nhưng giòn, ngọt lắm”. Những lời mời chào như vậy đã thu hút được khá đông người tới mua hàng. Thế nhưng tại các điểm bán nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên một số địa bàn Hà Nội lại đìu hiu, vắng khách.

Trong thực đơn hàng ngày của bà nội trợ: rau xanh, hoa quả tráng miệng luôn chiếm vị trí quan trọng. Người tiêu dùng rất mong muốn mua được rau tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu. Nhưng ra chợ chọn lựa sẽ rất khó vì vàng thau lẫn lộn. Trước tình hình đó một số người đã lựa chọn phương thức “cây nhà lá vườn”.

Chị Hoa (Từ Liêm, Hà Nội) rất lo lắng khi nghe tin: rau xanh dư thừa lượng phân đạm, hoa quả tàu nhập lậu tràn lan vào Việt Nam, nên tự tay cải tạo sân thượng thành vườn rau. Mấy hộp xốp đặt ở góc sân trồng mùng tơi, rau đay, rau dền giúp cải thiện phần nào bữa ăn gia đình. Lại thêm chậu nhỏ trồng rau thơm cũng góp phần bổ sung nguồn rau sạch mỗi ngày.

Chị Nga (Ba Đình, Hà Nội) quê ở Đông Anh nên tuần nào cũng đều đặn về quê chở rau quả. Chị cho biết: “Rau muống vườn mẹ chị trồng lá hơi cằn, không xanh bắt mắt nhưng được cái ăn rất ngọt, nước canh để lâu mà không chuyển màu xanh thẫm. Đu đủ vườn nhà trẻ con ăn vào thấy mát ruột, lành bụng”.

Không phải ai cũng có điều kiện như chị Hoa, chị Nga có nơi để trồng rau, quê gần mà hàng tuần về quê. Đa số người dân nội thành Hà Nội vẫn phải mua rau, hoa quả ở chợ cóc ven đường, chợ gần nhà hay gần cơ quan.

VIETGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí như:

• Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất.

• An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.

• Môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân.

• Truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Rau, củ, quả sạch ở siêu thị, cửa hàng “ế ẩm”

Đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân Hà thành, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với công ty VietSan xây dựng và vận hành “Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội”.

Hiện nay đã có 58 điểm, cửa hàng, 35 siêu thị bán rau quả sạch như: cửa hàng tiện ích 17T9 Trung Hòa – Nhân Chính, cửa hàng rau sạch Ecomart 347 Nghĩa Tân, cửa hàng Big Green 113 Hoàng Văn Thái, siêu thị Fivimart Nguyễn Chí Thanh, siêu thị Intimex Hào Nam, siêu thị Big C Thăng Long… Nhưng tình trạng chung của hệ thống siêu thị, cửa hàng là lẻ tẻ khách vào mua nông sản.

Siêu thị Ngọc Khánh - Đặng Văn Ngữ, siêu thị Minh Hoa - Thái Hà là những điểm kinh doanh rau quả sạch hàng đầu nhưng buổi chiều rất ít khách. Đến siêu thị Big C Thăng Long, người tiêu dùng xem xét bảng giá của loại rau, loại quả mà lắc đầu, đẩy xe hàng chuyển sang dãy khác. Người tiêu dùng rất mong muốn có được rau, củ, quả an toàn, đảm bảo chất lượng nhưng lại thờ ơ với chính những nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại sao lại như vậy?

Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm bày bán ở chính các điểm bán rau – của – quả sạch cũng lại gây nghi ngờ cho người mua. Bởi giá của rau quả sạch không hề vừa túi tiền của người tiêu dùng mà thường “một tấc lên trời” đắt gấp đôi, gấp ba, ngang ngửa với thịt cá. Trong khi đó, việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ, việc gắn các nhãn mác thông tin lại thiếu đồng nhất, thậm chí còn mập mờ.

Chẳng hạn như, có sản phẩm gắn mác “sạch” nhưng chỉ buộc dây nilong in tên hợp tác xã sản xuất mà không có tem chứng nhận; hay khi sản phẩm được cho vào bao cẩn thận nhưng không niêm phong, có bao ghi nơi sản xuất và có bao lại để trắng.

Tuy giá cả có cao hơn, nhưng không phải vì thế mà người tiêu dùng không vào các cửa hàng bán rau – củ - quả sạch để mua, mà cái chính là “lòng tin về chất lượng”. Chị Nga – một cán bộ ở Quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: Mình thường đến mua ở các cửa hàng rau sạch, thậm chí còn đi xa 4 – 5 cây số, tìm tới cả một cửa hàng trên đường Chùa Bộc để mua các sản phẩm rau sạch, để bữa ăn của gia đình được an toàn, ngon miệng. Nhưng quả thật vẫn thấy áy náy, vì thực tế chẳng có gì để minh chứng được hàng mình mua tại các điểm này là an toàn hơn ngoài chợ cóc cả - họ nói là sạch và mình muốn mua thì mua lòng tin mà thôi, chứ bằng chứng chứng minh thì chẳng thuyết phục.

Có thể thấy rằng, để sản phẩm rau –củ - quả sạch phát triển, hạn chế các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường, câu chuyện không chỉ cứ khuyên người tiêu dùng phải trở thành “người thông minh”, mà rất cần sự vào cuộc quản lý – giám sát của chính quyền. Cơ quan quản lý thị trường phải thực sự vào cuộc, trước hết là cần giám sát các điểm bán rau – củ quả sạch và công bố thông tin hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện các qui chuẩn, qui cách về sản phẩm sạch. Có như vậy thì chính các điểm bán rau – củ - quả sạch bán hàng nghiêm túc có cơ hội thu hút người tiêu dùng, còn người tiêu dùng có căn cứ lòng tin vào sản phẩm sạch mình bỏ tiền ra mua./.

Thu Hằng

Thu Hằng

© Thời báo Tài chính Việt Nam