Cách nào phân biệt cá tầm nhập lậu và cá tầm Việt?

17:45 | 18/07/2013 Print
Thời gian qua, thông tin cá tầm Trung Quốc nhập lậu tràn ngập thị trường đã khiến dư luận xôn xao và một trong những vấn đề được quan tâm nhất là làm sao để phân biệt cá tầm Trung Quốc và cá nuôi tại Việt Nam.

Ông Lê Anh Đức và sản phẩm cá tầm Việt Nam tại Tây Nguyên. Ảnh: H.Y

Ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam (TĐCTVN), đã chia sẻ nhiều thông tin để làm rõ về câu chuyện cá tầm.

* Thưa ông, với người tiêu dùng thông thường, làm thế nào để phân biệt cá tầm Trung Quốc và cá tầm Việt Nam?

- Nếu đều là nuôi giống cá tầm lai, thì không thể phân biệt được đâu là cá tầm nuôi tại Trung Quốc và đâu là cá tầm nuôi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khi cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc chủ yếu là giống cá tầm lai do giống cá rẻ này có giá rẻ, khỏe và lớn nhanh, còn cá tầm nuôi tại Việt Nam chủ yếu là giống cá tầm Osetra của Nga. Cá tầm giống Nga có màu vàng óng đặc trưng ở phía bụng dưới, mũi dài nhưng hình tròn tù, không nhọn. Mình cá nhiều vây dạng gai, trải dài cả xương sống và hai bên hông cá.

Cá tầm Trung Quốc hay cá tầm lai mình dài, thon, gai lưng không nhọn và nổi bật như cá tầm Nga. Mũi cá dài, nhọn với phần bụng màu đen, xám nhạt và trắng, hơi giống cá trê.

Một đặc điểm nhận dạng khác là khi quan sát bên ngoài, cá tầm Trung Quốc do quãng thời gian vận chuyển rất dài nên mình cá xây xước nhiều, bụng có những vệt máu đỏ, trong khi cá tầm Việt Nam không có đặc điểm đó.

* Tại sao cá tầm Việt Nam không cạnh tranh được về giá với sản phẩm nhập lậu, thưa ông?

- Trước đây, người nuôi cá tầm phải chịu nhiều chi phí cao do chưa sản xuất được con giống, thức ăn phải nhập khẩu. Tuy nhiên gần đây, các nhà sản xuất trong nước đã sản xuất thành công con giống, thức ăn cho cá tầm cũng đã được sản xuất trong nước với chất lượng tốt, giá bán thấp hơn hoặc tương đương giá nước ngoài.

Nhưng điều quan trọng hơn là việc nuôi cá xuất bán chỉ trong thời gian 6 tháng tại Trung Quốc so với thời gian 18 tháng tại Việt Nam đã khiến cá Trung Quốc lợi thế hẳn về chi phí.

* Vậy cá tầm Trung Quốc có chất lượng ra sao so với cá tầm Việt Nam?

- Với thời gian nuôi rút ngắn chóng mặt như vậy, chắc chắn chúng ta có cơ sở nghi ngờ về việc cá tại Trung Quốc có sử dụng các chất tăng trọng trong quá trình nuôi. Theo tôi, với quy trình nuôi như hiện nay, sản phẩm cá tầm nuôi tại Việt Nam có chất lượng tốt và đảm bảo hơn sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu không có cơ chế bảo vệ người nuôi, không biết chừng để đảm bảo cạnh tranh được về giá với sản phẩm nhập lậu, một số người nuôi trong nước cũng sẽ áp dụng các biện pháp tăng trọng dẫn đến suy giảm chất lượng.

* Đặt ngược lại vấn đề, liệu chúng ta có nên thả lỏng cho sản phẩm Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam để tăng yếu tố cạnh tranh, giúp người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn ? Hoặc tại sao các nhà nuôi cá tầm tại Việt Nam lại phản đối kịch liệt các sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc mà không tìm cách giảm giá thành hoặc học cách nuôi của Trung Quốc để cạnh tranh ?

- Trước hết, tôi xin lưu ý, chúng tôi phản đối sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc vì hiện nay cá tầm đang được nhập khẩu lậu, không qua bất cứ một quy trình kiểm dịch, thuế quan… nào. Sau khi nhập khẩu vào Việt Nam, các sản phẩm này được bán đội lốt thương hiệu cá tầm nuôi tại Việt Nam. Điều này gây ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh việc cạnh tranh lành mạnh, khi sản phẩm nhập khẩu thông qua đầy đủ các quy trình theo luật định và quan trọng nhất là khi đưa ra thị trường phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Người tiêu dùng là người cuối cùng quyết định mua sản phẩm nào.

Về việc giảm giá thành nuôi để cạnh tranh, theo tôi đây là ý tưởng rất tồi. Với quy trình nuôi như hiện nay, giá bán buôn hầu hết của các công ty tại Tây Nguyên đang ở mức 150.000 đến 160.000 đồng. Giá này mới đảm bảo mức lợi nhuận khoảng 15 - 20% cho thời gian nuôi sau 18 tháng, chưa tính đến các yếu tố rủi ro cao trong nông nghiệp.

Nếu tìm cách giảm giá thành, chắc chắn chất lượng sản phẩm đầu ra sẽ giảm đi. Điều này dẫn đến sự lựa chọn về chiến lược phát triển cá tầm nói riêng và nông nghiệp nói chung tại Việt Nam. Đó là chúng ta nên chạy theo Trung Quốc để đưa ra thị trường các sản phẩm có giá rẻ và chất lượng thấp hay nên tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao với một mức giá vừa phải để khách trong và ngoài nước chấp nhận được ?

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam