Cần linh hoạt trong lưu thông hàng hóa để gỡ khó cho doanh nghiệp

11:00 | 28/07/2021 Print
Các địa phương cần nhanh chóng xem xét, sớm có những biện pháp hữu hiệu thực hiện đúng quy định về hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, nhanh chóng phục hồi trước những tổn thương do dịch bệnh mang lại.

hang hoa

Chính phủ đã yêu cầu không thực hiện kiểm tra với các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm. Ảnh: TL

Doanh nghiệp "đau đầu" về khái niệm hàng hóa thiết yếu

Bộ Công thương vừa có công văn hỏa tốc gửi sở công thương các tỉnh, thành phố thống nhất về danh sách hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Theo bộ này, thực tế thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, cho thấy, một số nội dung, nhất là khái niệm hàng hóa thiết yếu còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu.

Do đó, Bộ Công thương đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát, tham mưu cho UBND cấp tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu gồm: nhóm thực phẩm; nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bao gồm các mặt hàng như sắt thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi.

Cùng với đó là nhóm nhiên liệu, năng lượng như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương chỉ rõ danh mục sản phẩm, thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ như thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế có: nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng, phụ liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…

Ngoài ra, các sản phẩm, nhóm sản phẩm, thực phẩm hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: ngũ cốc, ngũ cốc đã sơ chế; thịt và các sản phẩm (thịt tươi, ướp đá, đông lạnh, phụ phẩm ăn được của gia súc, gia cầm, đồ hộp, hun khói hoặc sản phẩm phối chế có chứa thịt như giò, chả, pate…); thủy sản và sản phẩm thủy sản (thủy sản tươi sống, sơ chế, sản phẩm chế biến từ thủy sản và phụ phẩm thủy sản làm thực phẩm, rong biển…).

Cùng với đó là các loại rau, củ quả và sản phẩm rau, củ quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và sản phẩm từ mật ong, muối, gia vị (nước sốt, tương, nước chấm…), đường, chè, cà phê, ca cao, hạt tiêu, hạt điều và các nông sản thực phẩm khác như hạt hướng dương, hạt bí, măng, mộc nhĩ, tố yến…

Mặt khác, còn có một số sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương như: Nước giải khát, sữa chế biến, các loại sữa dạng lỏng, sữa dạng bột, kem sữa,bơ, pho mát và các sản phẩm khác từ sữa chế biến…; các loại dầu, bột và tinh bột, bánh, mứt kẹo (bánh quy ngọt, mặn hoặc không ngọt, mặn; bánh mì nướng…).

Cần tạo "luồng xanh" để lưu thông hàng hóa thiết yếu

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho hay, thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã gặp nhiều rào cản trong quá trình thực hiện lưu thông hàng hóa khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn.

Nguyên nhân cơ bản là do các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông, áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách của các địa phương; sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương; kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hoá.

Đơn cử như mặt hàng sữa hay đồ uống được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở địa phương này, nhưng tại địa phương khác lại không phải. Trong khi đó, các mặt hàng này thường có hạn sử dụng khá ngắn, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông đến đại lý sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính của doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, mới đây, hiệp hội các ngành hàng đề xuất 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vắc-xin, đưa các đối tượng trong ngành logistics thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách này; bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa… và các nguyên liệu, dịch vụ là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh; xem xét lùi thời điểm tăng giá thuê đất phục vụ sản xuất, kinh doanh; các địa phương thống nhất các quy định tránh tình trạng cát cứ gây ách tắc lưu thông hàng hoá, gián đoạn chuỗi sản xuất; có biện pháp linh hoạt đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, theo các chuyên gia, trước những rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua, công văn thống nhất về danh sách hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg là vô cùng cần thiết, hữu ích.

Do đó, các địa phương cần nhanh chóng xem xét, sớm có những biện pháp hữu hiệu thực thi để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, cũng cần căn cứ đặc thù về các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, nhu cầu của địa phương mình để khẩn trương cập nhật bổ sung các loại hàng hóa được phép lưu thông… Chỉ có như vậy mới giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, nhanh chóng phục hồi trước những tổn thương do dịch bệnh mang lại./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ)

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam