Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp báo lãi lớn

17:00 | 26/07/2021 Print
Trong bối cảnh hầu hết các phân khúc bất động sản đều chịu tác động của dịch Covid-19, phân khúc bất động sản khu công nghiệp được ghi nhận là một mảng sáng hiếm hoi của thị trường. 6 tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp báo lãi lớn.

Phân khúc hiếm hoi không lao dốc giữa đại dịch

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khiến nhiều nhãn hàng nổi tiếng dịch chuyển nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nhân công giá rẻ, cộng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, là hai yếu tố tạo niềm tin thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam.

khu-công-nghiệp-gia-bình-II
Một góc Khu công nghiệp Gia Bình II (Bắc Ninh). Ảnh: Tuấn Nguyễn

Các chuyên gia cho rằng, từ năm 2020 đến nay, bất động sản (BĐS) công nghiệp nổi lên như một điểm sáng và là phân khúc hiếm hoi không lao dốc giữa đại dịch. Mặt bằng giá thuê đất KCN tăng cao, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước săn đón.

Báo cáo mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam ghi nhận, thị trường BĐS công nghiệp đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, tiêu biểu như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang...

Với nhu cầu về BĐS KCN tăng cao, báo cáo kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành liên tiếp báo lãi trong quý II, có thể kể đến như: Kinh Bắc, Sonadezi, Tân Tạo... Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Công ty CP Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán: SZC) đạt 403 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 189 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với quý trước và 51% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty CP Phát triển Đô thị công nghiệp số 2 (mã chứng khoán: D2D) đạt 197 tỷ đồng, tăng 32%; lợi nhuận sau thuế đạt gần 109 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Mặc dù quỹ đất cho thuê không còn nhiều, song phần lớn doanh thu trong trong quý II của doanh nghiệp này vẫn đến từ hoạt động kinh doanh BĐS đạt gần 158 tỷ đồng.

Dù chưa công bố báo cáo tài chính chính thức, tuy nhiên, theo thông tin từ Viglacera - CTCP (mã chứng khoán: VGC), 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận hợp nhất toàn tổng công ty đạt 763 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ đạt 726 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần kế hoạch 6 tháng và bằng 97% mục tiêu năm đề ra.

Tiềm năng hút vốn nhà đầu tư nước ngoài

Bất chấp những tác động của đại dịch, thị trường BĐS công nghiệp tại Việt Nam vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực như các thương vụ mua bán sáp nhật doanh nghiệp cũng như sự gia tăng các diện tích đất công nghiệp mới. Những nhà máy sản xuất có quy mô lớn nhất trong nửa đầu năm 2021 là những dự án được đầu tư bởi các nhà đầu tư Hồng Kông và Singapore tại hai tỉnh là Quảng Ninh & Bắc Giang.

Ông John Campbell - Quản lý bộ phận BĐS công nghiệp của Savills Việt Nam cho hay, khu vực phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần; khu vực phía Nam với 728 triệu USD, chiếm 23% thị phần; khu vực miền Trung thu hút 395 triệu USD, chiếm 13% thị phần.

vốn-fdi-đổ-vào-bất-động-sản-công-nghiệp-6-tháng-đầu-năm-2021.jpg
Vốn FDI đăng ký cấp mới của 6 tháng đầu năm 2021 (nguồn Savills).

Nếu xét theo các tỉnh, Bắc Giang có số vốn đăng ký mới cao nhất với 589 triệu USD; tiếp đến là Quảng Ninh với 569 triệu USD và Bắc Ninh với 222 triệu USD. Khu vực phía Nam, Bình Dương đứng ở vị trí thứ 4 với 208 triệu USD.

Về hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A), ông John Campbell cho biết, thị trường chứng kiến một số các thương vụ M&A mới trong 6 tháng đầu năm 2021, như: Công ty TNHH Boustead Projects đã đạt được thỏa thuận mua lại 49% cổ phần trong Công ty CP Công nghiệp Logistics KTG & Boustead. Nếu thành công, sự hợp tác này sẽ mang tới 13 tài sản BĐS (gồm 10 BĐS trong số đó thuộc về KTG và 3 thuộc về Boustead Projects), với tổng giá trị tài sản lên tới 141 triệu USD, bao gồm khoảng 840.000 m2 diện tích đất và khoảng 550.000 m2 tổng diện tích cho thuê.

Bên cạnh đó, ESR Cayman Limited, nền tảng BĐS hậu cần lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương và Công ty CP Phát triển công nghiệp BW (BW), nhà phát triển và vận hành BĐS công nghiệp và hậu cần hàng đầu tại Việt Nam, đã liên doanh để phát triển 240.000 m2 diện tích BĐS công nghiệp tại KCN Mỹ Phước 4 gần TP. Hồ Chí Minh. Sự hợp tác này đánh dấu sự gia nhập của ESR vào thị trường Việt Nam, mở rộng phạm vi hoạt động của tập đoàn này trong khu vực Đông Nam Á đang ngày càng phát triển.

Về các dự án mới, dự án 81.000 m2 của Logos Property tại KCN VSIP Bắc Ninh 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2021. Một nhà đầu tư khá mới trên thị trường - Công ty CP Tập đoàn KCN Việt Nam, đã mua lại quỹ đất rộng 250 ha với vốn đầu tư 300 triệu USD. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho cho thuê phân khúc cao cấp, bền vững tại Việt Nam với danh mục đầu tư trải dài toàn quốc từ Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương đến Đồng Nai và Long An./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam