Cơ hội xuất khẩu vào ASEAN trong bối cảnh khó khăn bủa vây do đại dịch

10:11 | 26/07/2021 Print
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất nhập khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng container rỗng, tăng giá cước vận chuyển… một giải pháp hiệu quả, góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp là tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang thị trường gần kề ASEAN.

xk

6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD. Ảnh: TL

Bất chấp dịch bệnh, xuất khẩu sang ASEAN tăng trưởng mạnh

ASEAN được đánh giá là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với vị trí địa lý gần kề, dân số khoảng 650 triệu người, tổng GDP khoảng hơn 3.111 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm. Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với cam kết cắt giảm thuế quan cao nhất và nhanh nhất. Đến nay, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định này đã lên đến hơn 98,6%. Đây được nhận định là cơ hội vô cùng lớn đến hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội khối khu vực cũng như gia tăng kim ngạch thương mại Việt Nam – ASEAN.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, ở chiều nhập khẩu, kim ngạch đạt 21,2 tỷ USD, tăng tới 50,5% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 13,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Được biết ASEAN chiếm 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, lớn hơn cả thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở ASEAN là Thái Lan. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Thái Lan gần 2,5 tỷ USD và nhập về 5,4 tỷ USD.

Trong đó, một số nhóm hàng xuất khẩu chính của nước ta có trị giá tăng cao như cà phê, kim loại, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Còn các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Thái Lan là ô tô nguyên chiếc các loại; hàng điện gia dụng và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…

Kế tiếp Thái Lan, các thị trường có kim ngạch thương mại cao giữa Việt Nam – ASEAN lần lượt là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipinnes, Campuchia…với kim ngạch thương mại hai chiều mỗi thị trường lên tới hàng tỷ USD.

Với nền tảng đó, theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng như hiện nay đang và sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng container rỗng và tăng giá cước vận chuyển cao. Do đó, một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp, nước ta nên tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang thị trường ASEAN thông qua việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ATIGA…

Lưu ý đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa để nắm bắt cơ hội

Theo Cục Xuất nhập khẩu, để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, doanh nghiệp Việt cần nắm rõ và cập nhật đầy đủ thông tin về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, theo Hiệp định ATIGA, hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan nếu có xuất xứ từ khu vực, tức là hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ trong khu vực; hoặc đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ như hàm lượng nguyên liệu nội khối (RVC) ít nhất là 40%, hay phải trải qua chuyển đổi HS 4 số, trải qua một quy trình sản xuất nhất định…

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, để được hưởng ưu đãi thuế quan trong ATIGA, nhà xuất khẩu phải xin chứng nhận xuất xứ form D tại một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Đáng chú ý, hiện tại các nước ASEAN đang hướng tới việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần phải thông qua một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Về vấn đề này, theo Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) để tận dụng tốt nhất cơ hội về thuế quan, tăng lượng hàng xuất khẩu vào nội khối, hàng hóa Việt Nam cần đảm bảo các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ. Vì vậy, doanh nghiệp nước ta cần hiểu biết các thông tin, nhất là quy định về tiêu chuẩn, chất lượng để trên cơ sở đó có chiến lược, kế hoạch đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất phù hợp và hiệu quả.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến việc bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói. Song song với đó cần liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm hợp tác với các nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường ASEAN.

Còn với RCEP, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, với sự tham gia của các nước ASEAN, RCEP đã và đang tạo ra nhiều cơ hội tốt để hàng hóa nước ta tận dụng trên con đường chinh phục thị trường ASEAN; đồng thời có thể tận dụng để nhập khẩu nguyên phụ liệu nhằm duy trì sản xuất và xuất khẩu trong thời gian bị gián đoạn do đại dịch trong thời gian vừa qua./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ)

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam