Xuất khẩu dệt may phục hồi, chờ bứt phá sau những thăng trầm do đại dịch

10:55 | 22/07/2021 Print
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu dệt may đang trên đà phục hồi và có mức tăng trưởng khá tốt tại các thị trường trọng điểm. Từ nay đến cuối năm, ngành này có nhiều tín hiệu khả quan, hứa hẹn sẽ bứt phá trở lại sau những thăng trầm do đại dịch.

det may

Nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho đến hết quý IV/2021. Ảnh: TL

Xuất khẩu khởi sắc tại thị trường trọng điểm

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, so với "bức tranh ảm đạm" năm 2020, từ đầu năm 2021 đến nay, xuất khẩu dệt may đã khả quan hơn bất chấp bối cảnh dịch bệnh covid – 19 bùng phát mạnh mẽ. Trong đó, một số ngành hàng còn đạt được mức tăng trưởng bứt phá. Đơn cử như ngành sợi với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Xuất khẩu sợi dự kiến đạt 3,8-3,9 tỷ USD trong năm nay.

6 tháng đầu năm, dệt may Việt Nam xuất khẩu 18,79 tỷ USD giá trị hàng hoá, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, mặt hàng vải đạt kim ngạch xuất khẩu 1,18 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với mặt hàng vải nội địa, 6 tháng xuất khẩu 352 triệu USD, tăng tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may khởi sắc tại nhiều thị trường trọng điểm như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Điển hình, tại thị trường EU 6 tháng qua đạt kim ngạch xuất khẩu 2,263 tỷ USD, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước. “Có thể thấy, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là đòn bẩy vô cùng hiệu quả để dệt may gia tăng thị phần ở thị trường tiềm năng bậc nhất thế giới này.”- ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định.

Cũng theo ông Cẩm, những ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA là nền tảng quan trọng để mặt hàng dệt may Việt nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua giảm giá thành. Đây là lợi thế lớn so với các đối thủ tại thị trường châu Âu.

Tại thị trường Nhật Bản, xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt các loại đạt 1,43 tỷ USD, tăng 57,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Trung Quốc, xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 630 triệu USD, tăng gần 12%. Tại Mỹ, hàng dệt may chiếm tới 16% tỷ trọng xuất khẩu và đạt 6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 24,1%; Trong khi đó, tại thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,07 tỷ USD, tăng 4% và chiếm 12,2% tỷ trọng xuất khẩu.

Thời cơ bứt phá nửa cuối năm

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện tại, các doanh nghiệp dệt may nước ta đã có đơn hàng ổn định, lâu dài. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho đến hết quý IV/2021.

“Từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu của ngành dệt may sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc nhờ các hiệp định thương mại tự do đang ngày càng thực thi sâu rộng hơn. Hơn thế nữa, tại các thị trường trọng điểm của dệt may như Mỹ, EU, Nhật Bản…đang dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, thị trường sẽ hồi phục trở lại trong thời gian không xa.”- ông Cẩm cho hay.

Bên cạnh đó, đối với ngành dệt may, sức tiêu thụ thường gia tăng mạnh vào dịp cuối năm và xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào thời điểm nửa cuối năm. Vì vậy, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt con số bứt phá trong thời gian tới.

Song, các chuyên gia cũng chỉ ra không ít khó khăn mà ngành dệt may phải đối mặt phía trước. Đầu tiên phải kể đến là bối cảnh dịch Covid-19 có chiều hướng bùng phát trở lại tại châu Âu cũng như các quốc gia châu Á. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường nhập khẩu cũng như kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may.

Trong khi đó, hiện trong nước, tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp, nhiều nhà máy phải đóng cửa, hoặc thực hiện duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” cũng khiến cho nguồn hàng xuất khẩu gặp khó khăn. Hơn nữa, do lo ngại về dịch bệnh đã có một số nhãn hàng chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam.

Ngoài ra, cũng có nhiều lo ngại rằng, từ nay đến cuối năm 2021 là hai mùa cao điểm xuất khẩu từ châu Á sang Bắc Mỹ, Châu Âu vào tháng 7 (mùa tựu trường) và tháng 10 (mùa Giáng sinh). Những tháng cuối năm 2021, chi phí vận chuyển dự kiến sẽ đạt đỉnh và tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp dệt may chủ yếu mua CIP (cước phí và bảo hiểm) và bán FOB (điều kiện giao hàng miễn trách nhiệm của người bán khi hàng đã lên tàu), nhiều đối tác lo phí tàu nên các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ)

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam