Nguồn cung mới đất khu công nghiệp tăng trưởng bất chấp dịch bệnh

17:01 | 21/07/2021 Print
Bất chấp sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong thời gian gần đây tại Việt Nam, các dự án khu công nghiệp mới vẫn tiếp tục được phát triển và các dự án công nghiệp trọng điểm đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ, với hàng chục dự án khu công nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn ha diện tích đất cho các nhà đầu tư trong vài năm tới.

Tỷ lệ lấp đầy đạt 90% do nguồn cung hạn chế

Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, phân khúc bất động sản (BĐS) khu công nghiệp (KCN) được ghi nhận vẫn trụ vững, tỷ lệ lấp đầy đạt 90%.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội nhận định, trong nửa đầu năm 2021, bất chấp những khó khăn về tình hình dịch bệnh, thị trường KCN vẫn duy trì được diễn biến tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Tại quý II/2021, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại tỉnh và thành phố công nghiệp các tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt khoảng 80%. Nếu tính thêm các tỉnh lân cận (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang) thì tỷ lệ lấp đầy của các dự án KCN đạt 69%.

khu-công-nghiệp-đồng-văn-hà-nam.jpg
Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) luôn đạt 90%. Ảnh: Tuấn Nguyễn

So với năm 2020, tốc độ tăng giá thuê của thị trường đất công nghiệp Việt Nam đã chậm lại ở cả miền Nam và miền Bắc. Mức tăng của giá thuê trung bình tại các tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc dao động từ 0% đến 5% trong nửa đầu năm 2021, thấp hơn so với mức tăng từ 4% đến 13% trong năm 2020. Phần lớn giá thuê của các dự án KCN vẫn giữ ở mức tương tự tại thời điểm quý IV/2020, trừ một số dự án có vị trí thuận lợi tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai hay Long An vẫn duy trì được mức tăng từ 5% đến 10% trong nửa đầu năm nay.

Hoạt động của kho và xưởng xây sẵn duy trì ở mức ổn định. Trong nửa đầu năm 2021, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các tỉnh đều đạt được mức trên 90% do nguồn cung mới hạn chế. Mặt bằng chung giá thuê của kho và xưởng xây sẵn trong nửa đầu năm 2021 không chứng kiến nhiều biến động mạnh so với cuối năm 2020.

Nhu cầu thuê BĐS công nghiệp chủ yếu đến từ các công ty thuộc các ngành sản xuất linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, đóng gói và logistics. Trong đó, sự tăng trưởng mạnh của các công ty logistics kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ, làm tăng nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận, với số lượng yêu cầu hỏi thuê tăng từ 30% năm 2020 lên 39% trong nửa đầu năm 2021.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành BĐS công nghiệp trong thời kỳ đại dịch, nhiều chủ đầu tư mới đã tham gia thị trường, bao gồm cả các chủ đầu tư trong nước (Vinhomes, tập đoàn Thành Công) và các chủ đầu tư nước ngoài (JD.com, Fraser, ESR). Ngoài ra, các quỹ đầu tư cũng đã tham gia đầu tư bằng cách hợp tác, rót vốn vào các dự án tiềm năng như quỹ đầu tư Actis.

Từ nay đến năm 2023, nguồn cung đất công nghiệp miền Bắc dự kiến tăng trung bình 7,4%/năm, trong khi nguồn cung kho và xưởng xây sẵn dự kiến cũng sẽ tăng lần lượt là 46% và 10%/năm. Sự gia nhập của các nhà đầu tư mới dự kiến sẽ làm gia tăng nguồn cung BĐS công nghiệp cũng như sự cạnh tranh về dịch vụ và chất lượng trong thời gian tới. Các dự án tương lai dự kiến sẽ có chất lượng tốt hơn, và sẽ chào ở mức giá thuê cao hơn mức trung bình của thị trường. Nhu cầu của thị trường trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở cả ba mảng đất, kho và xưởng. Tuy nhiên, nguồn cung lớn trong những năm tới sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn ở tất cả các phân khúc, khiến giá chào thuê của các dự án hiện hữu sẽ không có sự thay đổi mạnh.

Nguồn cung đất công nghiệp mới tiếp tục tăng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2021, cả nước có 370 KCN với tổng diện tích 115.200 ha. Trong đó, có 328 KCN đang hoạt động ngoài các khu kinh tế (KKT), 24 KCN nằm trong các KKT ven biển và 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu. Các dự án này đã tạo ra khoảng 3,6 triệu việc làm cho người lao động.

Hàng chục dự án KCN tại 13 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt trong quý I/2021, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn ha diện tích đất cho các nhà đầu tư trong vài năm tới.

Bắc Ninh có số lượng dự án lớn nhất với 5 KCN sắp triển khai. Điển hình như KCN Quế Võ III với diện tích 208,54 ha, có tổng vốn đầu tư 120,87 triệu USD; hay KCN Gia Bình II với diện tích 250 ha (do Tập đoàn Hanaka phát triển) có tổng vốn đầu tư 172,17 triệu USD.

Quảng Trị cũng kỳ vọng vào các dự án mới như KCN Triệu Phú với tổng diện tích gần 529 ha. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng kỳ vọng một số KCN mới với tổng nguồn cung 500 ha như Sông Lô, Tam Đường 1, Thái Hòa - Liên Sơn - Liên Hòa. Ngoài ra, các dự án mới dự kiến sẽ được phát triển tại Hải Dương, Vĩnh Long, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Nam Định và Nghệ An.

Ở khu vực phía Nam, UBND tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch phát triển thêm 3 KCN với tổng diện tích 6.475 ha nhằm giải quyết tình trạng quá tải của các KCN hiện nay. Có ba KCN đáng chú ý bao gồm KCN Long Đức (3.253 ha), KCN Bàu Cạn-Tân Hiệp (2.627 ha) ở huyện Long Thành, và KCN Xuân Quế - Sông Nhạn (3.595 ha) ở huyện Cẩm Mỹ. Ba KCN này của Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong nước tiếp tục gây khó khăn cho các chủ đầu tư đang tìm kiếm khách hàng thuê đất, nhà xưởng và nhà kho, vì các nhà đầu tư và khách thuê tiềm năng không thể trực tiếp đến tham quan và khảo sát các dự án ở các tỉnh khác. Tuy nhiên, chuyên gia này kỳ vọng, việc triển khai tiêm chủng cộng đồng và những hứa hẹn về chương trình hộ chiếu vắc xin đang tạo niềm tin cho các chủ sở hữu BĐS cũng như các nhà đầu tư./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam