Các tỉnh, thành phía Nam: Đảm bảo cung ứng cho địa bàn, tiếp tục hỗ trợ cho TP.Hồ Chí Minh

21:12 | 19/07/2021 Print
Nguồn lương thực, thực phẩm ở các tỉnh phía Nam tương đối dồi dào, trong khi việc cung ứng cho TP.Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn. Các tỉnh phía Nam nên thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho TP.Hồ Chí Minh và đảm bảo cung ứng cho địa bàn.

Bộ NN&PTNT

Quang cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Khánh Linh

>> Gấp rút kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam

Chiều 19/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến tại đầu cầu hai miền, nhằm thúc đẩy sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là buổi làm việc đầu tiên giữa đoàn công tác của Bộ NN&PTNT với các tỉnh, thành phố phía Nam.

Nguồn cung ứng bị gián đoạn do vận chuyển gặp nhiều khó khăn

Tại đầu cầu phía Nam, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Hồ Chí Minh cho biết, 80- 90% nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân thành phố phải nhận cung ứng từ các tỉnh, do vậy, sau khi các chợ đầu mối lớn trên địa bàn đóng cửa do có các ca nhiễm Covid-19, nguồn nông sản, thực phẩm cho thành phố bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo ông Hiệp, hiện nhu cầu của thành phố đang thiếu 1.500 tấn rau củ, 300.000 - 400.000 quả trứng/ngày. Do nguồn cung ứng bị gián đoạn nên giá lương thực, thực phẩm trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7/2021 trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đều tăng so với các tháng trước đó. Ví dụ, giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37%, đáng chú ý giá rau củ quả tăng mạnh do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ giảm.

Về việc cung ứng hàng hóa cho TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, sản lượng lương thực, rau quả, thịt rất dồi dào, thoải mái đáp ứng nhu cầu của thành phố nhưng việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

"Trước mỗi địa phương quy định một kiểu khi qua chốt, hiện Bộ Y tế đã có quy định mới, hy vọng việc vận chuyển sẽ bớt khó khăn, tuy nhiên TP.Hồ Chí Minh nên thống nhất các điểm giao nhận" - ông Truyền nói.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho hay, lượng nông sản, thực phẩm của tỉnh này khá dồi dào nhưng các tài xế lại ngại vận chuyển vì không biết quy định phòng dịch của các địa phương như thế nào...

Từ thực tế trên, các địa phương kiến nghị các quận, huyện TP.Hồ Chí Minh rà soát, tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch tại địa điểm nêu trên. Không những vậy, các địa phương lân cận áp dụng chủ trương cách ly người đến từ TP.Hồ Chí Minh làm ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa cần thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, tổ chức khử khuẩn phương tiện, thay đổi tài xế… bàn giao phương tiện để tiếp tục vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Đại diện Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ kiến nghị, các địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng không nên đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống để đảm bảo bà con tiêu thụ nông sản, cung ứng hàng hóa cho thị trường.

Đảm bảo cung ứng cho địa bàn, tiếp tục hỗ trợ cho TP.Hồ Chí Minh

Phát biểu tại đầu cầu phía Bắc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh 5 việc cần làm ngay của các tỉnh thành phía Nam để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản.

Trước tiên, cần theo dõi dự báo tình hình nguồn cung từ nay đến cuối năm. Các tỉnh có hai nhiệm vụ để cung ứng sản xuất: Thứ nhất phải đảm bảo cung ứng cho địa bàn, thứ hai là tiếp tục hỗ trợ cho TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, báo cáo tổ công tác tình hình cơ sở sản xuất giết mổ. Nếu một cơ sở chế biến giết mổ có nhân viên dính Covid-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng. Các tỉnh cần rà soát lại, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, vì vậy các tỉnh không những phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ mà còn cần tập trung vào vật tư để sản xuất. Cùng với đó, các tỉnh phía Nam nên phối hợp với Bộ Công thương để củng cố tình hình phát triển chuỗi cung ứng nông sản, nên hình thành chuỗi thể hiện vai trò của Nhà nước...

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, sắp tới sẽ là mùa mưa nên các tỉnh thành cần chú ý không để tình trạng thiếu hụt hàng hóa xảy ra và cần thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung ứng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho TP.Hồ Chí Minh. "Không thể để vì thiếu hụt mà xảy ra mất an toàn thực phẩm" - lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Ngoài ra, các sở NN&PTNT tại các tỉnh thành nên chú ý thực hiện xúc tiến thương mại điện tử, từ đó giải tỏa áp lực cung ứng. Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác và sẽ thực hiện theo dõi tình hình cung ứng nông sản suốt thời gian các tỉnh thực hiện giãn cách.../.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam