Tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiêu thụ nhãn Hưng Yên

16:41 | 15/07/2021 Print
Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh, phục vụ tốt cho việc giao thương, tiêu thụ nhãn lồng và nông sản niên vụ 2021 và các niên vụ tiếp theo.

nhãn Hưng Yên

Lễ cắt băng để các xe tải đưa nhãn đến các điểm tiêu thụ trong cả nước. Ảnh: Tùng Đinh

Sáng 15/7, tại tỉnh Hưng Yên, hội nghị "Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021" được tổ chức, sẵn sàng đưa nhãn vụ 2021 đến người tiêu dùng. Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết của các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử tham gia tiêu thụ nhãn và các nông sản của Hưng Yên.

Thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm

Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, tình hình tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Dự báo được hiện trạng này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, “Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản Hưng Yên năm 2021” tổ chức ngày 15/7 là điểm nhấn với 72 điểm cầu trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên tại hội nghị, năm nay sản lượng nhãn của tỉnh vào khoảng 50.000 - 55.000 tấn, trong đó lượng nhãn đạt chất lượng VietGAP vào khoảng trên dưới 20.000 tấn. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều nông sản tiềm năng khác như các loại cây có múi, chuối và vải chín sớm.

Trung Quốc, Anh, Bỉ, Australia và Pháp là 4 bạn hàng lớn của tỉnh Hưng Yên về tiêu thụ nhãn lồng. Trong đó, thị trường Trung Quốc được kết nối tại 4 điểm giao thương là Vân Nam, Nam Ninh, Bằng Tường, Quảng Tây.

Ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẵn sàng phối hợp với tỉnh Hưng Yên, các cơ quan hữu quan để nhập khẩu nhiều hơn nữa nhãn lồng. Để sản phẩm nhãn của Hưng Yên hiện diện nhiều hơn tại thị trường này, ông Hồ Toả Cẩm đề xuất các đơn vị chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa trong công tác thông quan cho hàng nông sản hai nước; khuyến khích doanh nghiệp uy tín của Trung Quốc đầu tư dự án chế biến nông sản tại các địa phương và Hưng Yên để nâng cao giá trị nông sản.

Tại điểm đầu cầu Mỹ, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ - Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, hội nghị không chỉ thúc đẩy xuất khẩu nhãn Hưng Yên trong năm 2021 mà còn thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuất khẩu nhiều loại nông sản khác và trong những năm tiếp theo.

Bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, Lạng Sơn sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhãn và các nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, thương nhân trong và ngoài nước tiếp cận cơ hội kinh doanh, tham gia ký kết hợp đồng mua bán nhãn lồng và nông sản. Đặc biệt, các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Úc, châu Á, nhất là tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) mong muốn được tăng cường trao đổi hợp tác, kinh doanh nhằm thúc đẩy, mở rộng tiêu thụ nhãn và nông sản cho bà con nông dân Hưng Yên.

Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa

Nhãn lồng Hưng Yên lên sàn điện tử

Được biết, để giúp nông dân Hưng Yên tiêu thụ nhãn theo hình thức hoàn toàn mới trên môi trường số, ngay từ tháng 6/2021, Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã phối hợp với Bộ Công thương, Văn phòng Điều phối mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Bộ NN&PTNT) tổ chức tập huấn cho các hộ trồng nhãn cách bán hàng trên môi trường điện tử.

Nhân viên bưu điện trực tiếp xuống nhà vườn để hướng dẫn cụ thể cho người dân, từ cách mở gian hàng, tối ưu hóa gian hàng, chụp ảnh sản phẩm, đăng bán sản phẩm, theo dõi đơn, đến cách đóng gói, bảo quản, vận chuyển nhãn đi các tỉnh, thành phố.

Với quả nhãn của Hưng Yên, ngày 15/7 có rất nhiều sàn thương mại điện tử tham gia vào quá trình tiêu thụ sản phẩm như Postmart, Shopee, Sendo, Voso... Đây hứa hẹn là kênh phân phối hiệu quả, an toàn, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay; đồng thời là kênh phân phối nông sản bền vững, góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Bằng kinh nghiệm hỗ trợ người dân Bắc Giang tiêu thụ hơn 4.000 tấn vải thiều trong tháng 6 vừa qua, Bưu điện Việt Nam đã tư vấn, giải thích và đưa ra các phương án hỗ trợ cụ thể, xóa bỏ lo ngại của bà con nông dân.

Hiện đội ngũ nhân viên bưu điện đã tiếp cận và phát triển được gần 400 nhà cung cấp. Đây là những hộ gia đình, hợp tác xã trồng nhãn tham gia bán hàng trên Postmart.vn. Không chỉ có quả nhãn tươi, mỗi nhà cung cấp còn có nhiều mặt hàng đưa lên sàn, như long nhãn, mật ong hoa nhãn, giấm nhãn, các chế phẩm từ nhãn khác.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam