CIEM: Tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,9% trong kịch bản thấp

12:57 | 15/07/2021 Print
Báo cáo của CIEM đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 8, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 6,2%, còn nếu tháng 10 dịch bệnh mới được kiểm soát, tăng trưởng có thể đạt mức 5,9%.

TT

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, chủ trì hội thảo trực tuyến ngày 15/7.

Sáng 15/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã phối hợp tổ chức hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững".

Hai kịch bản tăng trưởng

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày các báo cáo với nội dung đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm 2021; cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô cho cả năm 2021; phân tích sâu về vấn đề di cư trong nước dưới góc độ giới; kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế và giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong các tháng cuối năm 2021.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, bước vào đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, những đợt dịch với những diễn biến khá phức tạp, nhất là đợi dịch thứ tư từ cuối tháng 4 đến hết quý II, đã gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế. Rút kinh nghiệm từ ba đợt dịch trước, Chính phủ đã tiếp cận điều hành trong đợt dịch thứ tư đã có sự linh hoạt cần thiết để vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tốc độ tăng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó quý I tăng 4,65% và quý II tăng 6,61%. Đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu, mặc dù vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn. Kinh tế Việt Nam đã có quý đầu tiên mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng và tiếp tục nằm trong nhóm duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao ở khu vực châu Á.

Trình bày báo cáo của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, báo cáo cập nhật kết quả dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 theo hai kịch bản. Trong kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất - kinh tế ở mức bình thường.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021 và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức cao hơn.

Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,9% theo kịch bản 1 và 6,2% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4% trong kịch bản 1 và tăng 18,3% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,2 tỷ USD và 5,4 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 2,6% và 2,8%.

Cải cách kinh tế vi mô song hành kinh tế vĩ mô

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: khả năng kiểm soát dịch; tiến độ giải ngân đầu tư công; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số; khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA (hiệp định thương mại) mới và bảo đảm cơ hội cho lao động nữ.

Báo cáo cũng đưa ra một số đánh giá và định hướng chính sách với vấn đề di cư trong nước ở góc độ giới. Thực tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, kéo theo thay đổi cơ cấu lao động và gia tăng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị. Trong quá trình đó, những vấn đề liên quan đến lao động di cư, thu nhập, và các vấn đề xã hội của người di cư ở góc độ giới được nhìn nhận và phân tích.

Thảo luận tại hội thảo cho thấy thực tế 6 tháng đầu năm 2021, bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế không thực sự thuận lợi hơn so với năm 2020. Chính phủ mới đã khẩn trương vào nhịp điều hành, kế thừa khung chính sách đã có trong năm 2020 và đi trực diện, linh hoạt hơn vào xử lý những vấn đề về phòng dịch và phục hồi kinh tế, có cân nhắc nhiều đề xuất mới một cách cầu thị, quyết liệt hơn.

Trong bối cảnh đó, các ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh yêu cầu định hình cách tiếp cận đối với một số vấn đề cải cách chính sách kinh tế; trong đó bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững; hoàn thiện tư duy về nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh mới, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và nhanh chóng hoàn thiện căn bản khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo nói chung và kinh tế số nói riêng.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam