Giá thuê mặt bằng bán lẻ lao dốc

21:51 | 14/07/2021 Print
Giá chào thuê mặt bằng bán lẻ ở tầng trệt và tầng một trung bình đạt 102 USD/m2/tháng, giảm 1,9% theo quý, giảm 1,7% theo năm. Ở các khu vực trung tâm ghi nhận tỷ lệ mặt bằng trống trung bình ở mức 10,8%. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này đã tăng 10,1 điểm phần trăm.

Giá chào thuê giảm do bị chịu sức ép của dịch bệnh

Công ty TNHH CBRE Việt Nam (CBRE Việt Nam) vừa công bố tiêu điểm phân khúc bất động sản bán lẻ. Các chuyên gia của CBRE Việt Nam cho rằng, làn sóng Covid-19 thứ 4 khiến thị trường bán lẻ sụt giảm một cách đáng kể. So với cùng kỳ năm trước, thị trường bán lẻ ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có sự phục hồi.

bất-động-sản.jpg
Mặt bằng cho thuê phục hồi phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL

Theo CBRE Việt Nam, trong quý II/2021, nguồn cung thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê không đổi ở mức hơn 1 triệu m2 diện tích cho thuê dòng.

Về hoạt động thị trường ghi nhận giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tiếp tục giảm nhẹ do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê, cũng như hỗ trợ các khách thuê do tình hình dịch diễn biến phức tạp thời gian vừa qua. Cụ thể, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 29 USD/m2/tháng, giảm 3,8% theo năm và 2,8% theo quý. Tỷ lệ trống các khu vực này vẫn ở mức cao, đạt 14,6%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm theo quý và 4,8 điểm phần trăm theo năm.

Còn tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, dưới sức ép từ làn sóng dịch nghiêm trọng, giá thuê trong quý ghi nhận đạt 34 USD/m2/tháng, giảm 5,2% theo năm do nhiều trung tâm thương mại đóng cửa, các dự án đồng loạt giảm giá thuê, cũng như có các chính sách hỗ trợ khách thuê trong thời gian giãn cách xã hội thời gian qua. Điều này đã phần nào cải thiện được tỷ lệ trống, giảm 1,6 điểm phần trăm theo năm xuống còn 14,6%.

Tại các khu vực trung tâm, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng trong xu hướng giảm, đạt 102 USD/m2/tháng, giảm 1,9% theo quý và 1,7% theo năm. Khu vực trung tâm ghi nhận tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,8% do một số diện tích trống ở các tầng cao vẫn chưa tìm được khách thuê mới, cũng như bị ảnh hưởng do dịch bệnh. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này đã tăng 10,1 điểm phần trăm.

Tương lai của mặt bằng cho thuê phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh

Về khách thuê, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý vừa qua chứng kiến sự gia nhập cũng như mở rộng của nhiều thương hiệu quen thuộc trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực và bán lẻ. Các thương hiệu mới gia nhập vào thị trường Việt Nam đáng chú ý gồm: Garmin với cửa hàng tại Phan Bội Châu (Hà Nội), và Kon&Co thương hiệu bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc tại AEON Mall Hà Đông. Cùng với đó, cửa hàng Muji đầu tiên tại Hà Nội, khai trương ngày 4/7 tại Vincom Center Metropolis là nhãn hiệu mở rộng nổi bật trong quý vừa qua.

Tại TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận nhiều nhãn hàng mở rộng và mới gia nhập, nổi bật là Rolls-Royce, nhãn hiệu xe sang lần đầu gia nhập vào thị trường Việt Nam. Mặc dù đang chịu tác động của dịch bệnh, nhưng hoạt động gia nhập, mở rộng, các thương vụ M&A sôi nổi đem lại kỳ vọng và là tiềm năng để thị trường sớm phục hồi trở lại. Dự kiến trong các quý tới, các nhãn hàng thời trang, ẩm thực và siêu thị sẽ tiếp tục ra mắt tại Hà Nội, giúp thị trường bán lẻ sôi động hơn.

Các chuyên gia của CBRE Việt Nam kỳ vọng trong hai quý cuối năm 2021, thị trường bán lẻ Hà Nội dự kiến chào đón 82.000 m2 diện tích cho thuê dòng diện tích mặt bằng bán lẻ mới, trong đó phải kể đến dự án Vincom Mega Mall Smart City, dự kiến khai trương vào quý III. Ngoài ra, sau năm 2021, sẽ có khoảng thêm gần 300.000 m2 diện tích cho thuê dòng gia nhập thị trường. Các dự án mới này vẫn tập trung tại khu vực ngoài trung tâm. Cư dân ở phía Bắc và Nam thành phố và các khu vực lân cận sẽ có thêm các lựa chọn để mua sắm và sử dụng dịch vụ khi hai dự án với quy mô lớn là Lotte Mall Hà Nội và Aeon Mall Hoàng Mai hoàn thiện và đi vào hoạt động (dự kiến khai trương trong năm 2023 - 2024).

Nhìn chung, các dự án mới, cùng với sự mở rộng, gia nhập của các nhãn hàng hứa hẹn sẽ cải thiện thị trường bán lẻ trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát. Các yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bán lẻ như việc phát triển mô hình đa kênh nâng cấp cửa hàng, các biện pháp hỗ trợ khách thuê, quan trọng nhất là các biện pháp chống dịch quyết liệt của Chính phủ, với quyết tâm đạt tỷ lệ tiêm chủng cho 70 - 75% dân số vào quý I/2022 đang được triển khai khẩn trương và quyết liệt mang lại triển vọng lớn cho sự phục hồi của thị trường bán lẻ, tuy nhiên vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa để thị trường quay trở lại như thời điểm ban đầu.

Ở góc nhìn khác, các chuyên gia của Công ty Tư vấn bất động sản Toàn cầu Jones Lang Lasalle đánh giá, tương lai của thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh phụ thuộc rất nhiều vào kết quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới. Bức tranh thị trường đang xuất hiện gam màu tối do diễn biến khó lường của đại dịch. Các nhãn hàng nội địa sẽ tiếp tục gánh chịu nhiều tổn thất nhất và khó lòng trụ vững nếu dịch bệnh kéo dài do áp lực tài chính lớn và đầu ra phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu nội địa./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam