Thêm công cụ nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước

17:36 | 11/07/2021 Print
Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN là khung pháp lý quan trọng để các cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ đề xuất hình thức sắp xếp và cũng là một công cụ để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

DNNN

Ảnh T.L

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Tăng phân cấp, phân quyền trong sắp xếp, đổi mới DNNN

Trao đổi về nội dung quyết định này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong quá trình xây dựng quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, sắp xếp lại hệ thống DNNN tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết 12-NQ/TW để nghiên cứu soạn thảo và trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg với 3 quan điểm.

Thứ nhất là xác định DNNN chỉ hiện diện trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Thứ hai, tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quyết định, chịu trách nhiệm và phù hợp với thực tiễn của mỗi ngành, mỗi địa phương gắn với việc xây dựng các thiết chế, công cụ để thực hiện kiểm tra, giám sát. Thứ ba, phát huy vai trò của những DNNN quy mô lớn, có thương hiệu, có vai trò mở đường, dẫn dắt trong một số lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN trong giai đoạn tới cần hướng tới 3 mục tiêu: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, cơ bản đảm bảo hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN đến năm 2025; đưa ra các tiêu chí phân loại tổng thể xét theo ngành, lĩnh vực, địa bàn, tính chất hoạt động… nhưng vẫn tính đến các đặc thù riêng biệt của từng ngành, địa phương để tạo khung pháp lý thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2021-2025; tạo nguồn thu cổ phần hoá, thoái vốn cho NSNN thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Quyết định số 22 đã kế thừa Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg và cũng bổ sung nhiều điểm mới.

Đầu tiên, Quyết định 22 đã thể hiện rõ nét, mạnh mẽ tinh thần phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác sắp xếp, đổi mới DNNN. Cụ thể, với DN cấp 1 (các công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - con và công ty độc lập), Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt hình thức sắp xếp. Đối với DN cấp 2 (công ty con trong nhóm công ty mẹ - con) thì công ty mẹ được quyền chủ động đưa ra phương án sắp xếp căn cứ vào hiệu quả hoạt động và vai trò của DN.

Trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại khoảng 500 DNNN cấp 1

Quyết định số 22 chỉ ban hành tiêu chí phân loại, không bao gồm danh sách cụ thể DNNN thực hiện sắp xếp nhằm mục tiêu sớm ban hành tiêu chí phân loại DNNN tạo khung pháp lý cho các bộ ngành, địa phương rà soát để có định hướng sắp xếp. Kế hoạch sắp xếp lại giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ được ban hành dưới dạng quyết định chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ để tạo thuận lợi trong việc kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, Quyết định cũng bổ sung quy định các bộ ngành trong chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm chủ động sửa đổi hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định có liên quan nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp. Bổ sung, điều chỉnh một số ngành tại Phụ lục Tiêu chí phân loại theo ngành, lĩnh vực cho phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và thực tiễn hoạt động.

Ví dụ như bổ sung thêm lĩnh vực "sản xuất phim khoa học, thời sự phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin đối ngoại và nhiệm vụ an ninh tư tưởng, văn hóa", "bảo hiểm tiền gửi và mua bán, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng", "Quản lý, khai thác các bến cảng tại cảng biển đặc biệt theo quy định về phân loại cảng biển Việt Nam"...

"Quyết định này được đánh giá là khung pháp lý quan trọng để các cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ đề xuất hình thức sắp xếp và cũng là một công cụ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN", Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Được biết, sau khi có Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trên cơ sở đề xuất của cơ quan đại diện chủ sở hữu của các bộ, ngành địa phương sẽ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thế sắp xếp lại DNNN đối với các DN cấp 1 (khoảng 500 DN). Các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Công ty mẹ sẽ được phân cấp phê duyệt khoảng hơn 1.000 DN cấp 2, cấp 3 tại các Đề án cơ cấu lại DN./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam