Thị trường dầu mỏ thế giới có tuần giao dịch biến động mạnh

17:33 | 10/07/2021 Print
Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson của Rystad Energy cho biết viễn cảnh OPEC+ không bổ sung thêm thùng dầu nào vào thị trường trong tháng tới đã thúc đẩy giá nhiên liệu đi lên.

giá dầu

Một cơ sở lọc dầu ở Al-Rawdhatain, Kuwait.

Thị trường dầu mỏ thế giới biến động mạnh trong tuần giao dịch này, giữa bối cảnh Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+ đang diễn ra những bất đồng nội bộ, khiến cuộc họp chính sách của họ bị hoãn vô thời hạn kể từ cuối tuần trước.

Thị trường đi lên phiên trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần này (ngày 5/7). Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson của Rystad Energy cho biết viễn cảnh OPEC+ không bổ sung thêm thùng dầu nào vào thị trường trong tháng tới đã thúc đẩy giá nhiên liệu đi lên.

Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo chiều ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, khi giới giao dịch tập trung vào khả năng những xung đột sẽ khiến một số quốc gia xuất khẩu nhiều dầu hơn.

OPEC+ đã kiềm chế nguồn cung dầu hơn một năm qua kể từ khi nhu cầu dầu sụt giảm do dịch COVID-19. Nhóm này đã duy trì thỏa thuận cắt giảm gần 6 triệu thùng dầu/ngày và được dự đoán sẽ gia tăng sản lượng, nhưng cuộc họp vừa qua đã không thể giải quyết những bất đồng giữa Saudi Arabia và UAE.

Nga và Saudi Arabia kỳ vọng sẽ nâng dần sản lượng dầu mỏ một cách thận trọng trong vòng nửa cuối năm 2021 và gia hạn thêm tám tháng thỏa thuận về nguồn cung mà các thành viên OPEC+ đã cam kết hồi năm ngoái, dự kiến kết thúc vào tháng 4/2022.

Tuy nhiên, UAE từ chối tăng sản lượng khai thác dầu mỏ lên 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, theo đề xuất của Nga và Saudi Arabia. Các nhà đầu tư lo ngại các thành viên của OPEC+ có thể từ bỏ các hạn ngạch sản lượng mà họ đã tuân theo trong thời kỳ đại dịch.

Sau khi giảm hơn 1 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 8/7, giá dầu liên tục đi lên trong hai phiên giao dịch cuối tuần (8 - 9/7), khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ xăng và dầu thô của nước này giảm mạnh trong tuần trước.

Bên cạnh đó, các dấu hiệu về nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ ở châu Á, từ cả Trung Quốc và Ấn Độ, cũng góp phần hỗ trợ đà tăng nay. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, hai loại dầu này vẫn chứng kiến đà giảm.

Khép lại phiên cuối tuần 9/7,giá dầu Brent tiến 1,43 USD (tương đương 1,93%) lên 75,55 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giao kỳ hạn cũng tăng thêm 1,62 USD (tương đương 2,22%) lên 74,56 USD/thùng.

Giá dầu Brent và dầu WTI đã giảm khoảng 1% trong cả tuần qua, chịu sức ép bởi sự thất bại của các cuộc đàm phán sản lượng của nhóm OPEC+. Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 8/7 cho biết, dự trữ dầu và xăng tại Mỹ đã giảm và nhu cầu xăng đạt mức cao nhất kể từ năm 2019, cho thấy sức mạnh ngày vững chắc của nền kinh tế.

Theo báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này tăng thêm hai giàn, lên 378 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Tuy nhiên, sự lây lan toàn cầu của biến thể Delta và lo ngại nó có thể ngăn chặn đà phục hồi kinh tế thế giới cũng gây sức ép lên giá dầu./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam