Ngành Nông nghiệp: Sửa văn bản, chính sách và cả ‘thái độ’ với doanh nghiệp

17:35 | 07/07/2021 Print
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về quy định kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; sửa đổi cả văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp và "thái độ" làm việc.

thủy sản

Ảnh minh hoạ: Khánh Linh

Sáng 7/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã họp với các hội, hiệp hội doanh nghiệp (DN) về một số tồn tại, vướng mắc trong văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Còn vướng mắc về kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm

Tại cuộc họp, một số DN cho biết còn có một số vướng mắc về quy định kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đề cập vấn đề nguyên liệu cho ngành hàng chế biến thủy sản. "Có 2 nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, một là duy trì sản xuất trong nước, hai là nhập khẩu nguyên liệu có chất lượng để đáp ứng nhu cầu năng lực chế biến. Qua rà soát văn bản liên quan đến kiểm tra nhập khẩu, DN kiến nghị các sản phẩm chế biến làm thực phẩm cho người thì áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm chứ không phải áp dụng kiểm dịch như hiện nay" - ông Nam nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, sản phẩm chế biến cần được đưa vào kiểm tra an toàn thực phẩm và có cơ chế cho việc kiểm tra này. Còn đối với sản phẩm còn sống, tươi, theo thông lệ quốc tế là kiểm dịch. Gỡ được khó khăn này sẽ giúp DN có thêm nguồn nguyên liệu hợp pháp, đảm bảo an toàn thực phẩm cho chế biến, thúc đẩy xuất khẩu.

Liên quan đến kiểm dịch, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng cho biết, sản phẩm sữa nhập khẩu vẫn phải kiểm dịch. Các sản phẩm sữa chế biến, có bổ sung thêm canxi, collagen… thì không thể còn vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, Bộ NN&PTNT cần bãi bỏ quy định này.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho hay, thực hiện Luật Chăn nuôi, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã có các nghị định, thông tư nhưng quá trình thực hiện rất khó khăn…Một số quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp với thực tiễn. Điển hình như quy định về chứng nhận hợp quy cho DN sản xuất thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi gây khó dễ, tốn kém thời gian và chi phí cho DN. Thực chất quy chuẩn là để quản lý chất lượng mà quản lý chất lượng thức ăn, thuốc thú y đã có những quy định khác cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, các nước trên thế giới cũng không có quy định này...

Thực hiện Nghị quyết số 68/2020/NQ-CP ngày 12/5/2020, Bộ NN&PTNT đã rà soát, tổng hợp, kiểm soát chất lượng, xây dựng dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh lần 1. Dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 2/272 điều kiện kinh doanh (đạt 0,74%), 45/109 thủ tục hành chính (đạt 41,28%), 147/219 quy chuẩn kỹ thuật (đạt 67,12%). Tổng tỷ lệ cắt giảm đợt 1 năm 2021 đạt: 21,83%. Tổng số văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ gồm: 47 văn bản văn bản quy phạm pháp luật (3 luật; 7 nghị định và 37 thông tư).

Phân loại mặt hàng cần kiểm dịch và mặt hàng cần kiểm tra an toàn thực phẩm

Bà Vũ Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết, đơn vị này đang xem xét sửa đổi một số văn bản trong lĩnh vực thủy sản như cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản...

Trước kiến nghị của Vasep, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Thú y nghiên cứu, xem xét và giải quyết, nhất là quy định kiểm dịch hay kiểm tra an toàn thực phẩm với tinh thần không làm khó DN.

"Chúng ta không chỉ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp mà còn sửa đổi cả thái độ làm việc. Bởi, nhiều quy định các bên đều thấy đúng nhưng cách thức triển khai quy định đó đôi khi khiến hiệu quả công việc chưa cao. Một nền hành chính phục vụ đúng nghĩa thì thái độ là gốc, cần thay đổi” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, ngành Nông nghiệp đang quản lý, cấp phép khoảng 20 loại giấy chứng nhận đến hẹn phải cấp lại. Trong điều kiện Covid-19, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có nghị quyết để điều chỉnh quy định này với các điều kiện như kiểm tra tuyến để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Trước vấn đề các hoạt động về cấp phép kiểm dịch trong xuất nhập khẩu hiện nay còn một số vướng mắc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết, hiện ngành NN&PTNT đã giảm 157 mã hàng hóa (HS) từ trên 300 mã hàng phải kiểm tra. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa ra các giải pháp để giảm số mặt hàng cần kiểm tra. Đồng thời, thời gian kiểm tra cũng cần phải nhanh hơn, thái độ phục vụ tốt hơn và có ứng dụng công nghệ để tránh DN phải chờ đợi./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam