Bất chấp dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản duy trì đà phát triển

10:28 | 07/07/2021 Print
(TBTCVN) - Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

15

Xuất khẩu tôm, cá tra tăng mạnh

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng, triển khai các giải pháp tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, đồng thời vừa phát triển thủy sản. Theo đó, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 2,8%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, từ đầu năm đến nay, cá tra, tôm đều là những mặt hàng có trị giá xuất khẩu (XK) gia tăng đáng kể. Sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường dưới sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ngành chức năng là yếu tố quan trọng làm nên kết quả khả quan trong XK toàn ngành nói chung, thủy sản nói riêng.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đẩy mạnh tiêm vắc-xin, ngày càng kiểm soát tốt dịch Covid-19, xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam từ nay đến hết năm có không ít thuận lợi, đặc biệt tại các thị trường XK trọng điểm. Dự báo, XK thủy sản cả năm sẽ cán đích khoảng 8,7 - 9 tỷ USD.

Theo phân tích từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bước sang quý II/2021, XK thủy sản tăng mạnh, trong đó tập trung vào nhóm hàng là tôm và cá tra. XK tôm trong tháng 6/2021 đạt khoảng 402 triệu USD, tăng 15%, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Những thị trường XK chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đều đang gia tăng nhập khẩu (NK) tôm.

XK tôm của Việt Nam tiếp tục thuận lợi do nhiều nước sản xuất tôm khác cạnh tranh vẫn đang còn gặp khó khăn vì dịch Covid-19 như tại Ấn Độ, Thái Lan… Bên cạnh đó, những lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)... tiếp tục tạo nhiều thuận lợi khi kim ngạch XK tôm qua các thị trường tăng cao. Đây là điều kiện khách quan thuận lợi mới, nhất là xuất nhập khẩu sẽ có thêm nhiều thị trường để phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Cùng với tôm, mặt hàng cá tra tiếp tục tăng 35% trong tháng 6 đạt trên 150 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, XK cá tra sang Hoa Kỳ và một số những thị trường nhỏ đang hồi phục rất mạnh mẽ, trong đó XK sang Hoa Kỳ đang tăng khoảng trên 170%, chiếm 21%. XK sang Mexico, Brazil, Anh, Thái Lan, Hà Lan, Colombia, Nga đều đạt mức tăng trưởng từ 100 – 450%. Mỗi thị trường này chiếm khoảng 2,5 - 4% giá trị XK cá tra của Việt Nam, sẽ là những điểm đến tiềm năng cho cá tra Việt Nam...

Xúc tiến thương mại mở cửa thị trường

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đẩy mạnh tiêm vắc-xin, ngày càng kiểm soát tốt dịch Covid-19, XK thủy sản của Việt Nam từ nay đến hết năm có không ít thuận lợi, đặc biệt tại các thị trường XK trọng điểm. Dự báo, XK thủy sản cả năm sẽ cán đích khoảng 8,7 - 9 tỷ USD.

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhu cầu NK tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch Covid-19. “Dự báo, XK tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt do có nhiều lợi thế từ các FTA và đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng và sản xuất khi kiểm soát tốt dịch Covid -19” - ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nguồn cung cá tra đang ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XK cá tra nửa đầu năm 2021. Do đó, trong quý III/2021 cần tập trung đẩy mạnh XK cá tra tới những thị trường lớn và truyền thống. Ngoài ra, các DN cũng cần đặc biệt lưu ý những thị trường đang phục hồi là Nga và Anh vì nhu cầu đang gia tăng và không gặp rào cản thị trường.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh XK đối với sản phẩm thủy sản; tiếp tục tận dụng cơ hội từ các FTA, nhất là EVFTA, CTPPP để tháo gỡ rào cản và thâm nhập thị trường mới; kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu XK sang thị trường Trung Quốc.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, dù không được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ngay trong năm nay nhưng thị trường châu Âu luôn được quan tâm, tuy nhiên, “thẻ vàng” IUU vẫn đang tồn tại với thủy sản Việt Nam. Nếu không quyết liệt tháo gỡ, nguy cơ Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có những biện pháp mạnh hơn với thủy sản Việt Nam XK sang thị trường này. Vì vậy, thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục thực thi các biện pháp tháo gỡ “thẻ vàng” IUU...

Mục tiêu 6 tháng cuối năm giá trị sản xuất thủy sản tăng 4%

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu 6 tháng cuối năm 2021, giá trị sản xuất thủy sản tăng 4%; tổng sản lượng thủy sản 8,7 triệu tấn (nuôi trồng 4,82 triệu tấn, khai thác 3,9 triệu tấn). Để đạt mục tiêu này, ngành thủy sản tiếp tục nâng cao chất lượng khai thác; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác hải sản; giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam