Nửa đầu năm, nền sản xuất tiếp đà khởi sắc

10:13 | 07/07/2021 Print
(TBTCVN) - Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công thương cho thấy, trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nền sản xuất công nghiệp nước ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận và doanh nghiệp đang dần phục hồi.

13

Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và rủi ro phía trước.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,3%

Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong nửa đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Theo số liệu của Bộ Công thương, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng 2,91%), đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%...

Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6/2021 ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6%...

Đáng chú ý, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như sản xuất xe có động cơ tăng 29,8%; sản xuất kim loại tăng 25,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 24,1%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 16,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 12,1%...

Khó khăn vẫn đe dọa phía trước

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc, song rủi ro, thách thức vẫn còn do các biến chủng mới của dịch Covid-19; lạm phát, giá cả có khả năng tăng cao đến hết năm 2021. Ngoài ra còn có các yếu tố bất lợi như chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng chính trị, thương mại giữa các quốc gia lớn…

Bên cạnh đó, trong nước, thách thức và rủi ro cũng còn nhiều, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sản xuất công nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Mùa du lịch đã qua trong khi mùa mưa bão đã đến, ảnh hưởng tới kích cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, tỷ lệ tồn kho hàng hóa cho đến thời điểm này vẫn là con số khá lớn. Đơn cử, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 26,7%). Trong đó, có một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất trang phục tăng 15,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,3%; sản xuất kim loại tăng 4,3%...

Do đó, trong 6 tháng cuối năm, theo các chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, tiếp tục tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương…; đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngành Công thương cần phối hợp tổ chức hướng dẫn các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có các giải pháp cụ thể để tái khởi động lại hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí an toàn.

Ngoài ra cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp mạnh mẽ để chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, lũng đoạn thị trường hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước nhằm ổn định thị trường, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt, hợp tác xã địa phương ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Chỉ số công nghiệp tăng 9,3%

Lũy kế trong 6 tháng, ước tính IIP tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6% tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%...

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam