Bất động sản nghỉ dưỡng trầy trật, condotel chưa tìm ra lối thoát

12:08 | 05/07/2021 Print
Các chuyên gia ghi nhận làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến hầu hết phân khúc bất động sản đều gặp khó khăn. Trong đó, phân khúc nghỉ dưỡng trầy trật nhất, condotel chưa tìm ra lối thoát mặc dù một số nhà đầu tư rao bán thấp hơn giá vốn nhưng cũng không ai mua.

>> Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh: Bất động sản biệt thự diễn biến trái chiều

Hà Nội công suất khách sạn chỉ đạt 27%

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bất ngờ bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước khiến thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục gặp khó khăn, dự báo 6 tháng cuối năm phân khúc nghỉ dưỡng tiếp tục trầy trật, condotel chưa tìm ra lối thoát mặc dù một số nhà đầu tư rao bán thấp hơn giá vốn 100 - 300 triệu đồng, nhưng cũng không ai mua.

khách-sạn-hilton.jpg
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công suất khách sạn trên địa bàn Hà Nội chỉ đạt 27%. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn

Các chuyên gia đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án nghỉ dưỡng đang gặp khó khăn trong việc phát triển phân khúc căn hộ khách sạn.

Theo Công ty CP DKRA Việt Nam, trong quý II/2021, nguồn cung mới condotel (căn hộ khách sạn) tăng so với quý I, dao động khoảng 800 - 1.000 căn. Trong số đó, phần lớn các dự án tập trung ở thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Quốc (Kiên Giang).

Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam ghi nhận, tổng nguồn cung ổn định theo quý với 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao. Khách sạn 5 sao chiếm tới 54% tổng nguồn cung. Tới cuối quý II/2021, 5 khách sạn 3 sao cung cấp 315 phòng đang tạm đóng cửa do Covid-19 và để sửa chữa. 10 khách sạn 3 - 5 sao tại Hà Nội đã được chọn làm địa điểm cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Nêu triển vọng, các chuyên gia của Savills cho rằng, từ 6 tháng cuối năm 2021 tới 2023, gần 2.600 phòng dự kiến sẽ được đưa vào thị trường từ 14 dự án. Trong năm 2021, 3 dự án 3 - 5 sao được dự tính sẽ cung cấp trên 500 phòng. Khu vực nội thành sẽ đóng góp lớn nhất vào nguồn cung tương lai với 1.200 phòng từ 7 khách sạn, theo sau là khu phía tây với 36% nguồn cung tương lai. Các khách sạn quốc tế sẽ cung cấp gần 1.300 phòng tương đương với 48% nguồn cung tương lai, bao gồm những thương hiệu lớn như: Eastin, Grand Mercure, Fairmont, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink. Việc triển khai vắc xin sẽ tăng sự tự tin cho ngành du lịch trở lại.

Ông Matthew Powell - Giám đốc, Savills Hà Nội cho rằng, các chủ khách sạn Hà Nội hiện vẫn đang nỗ lực đứng vững trước đại dịch, tuy nhiên công suất chỉ đạt 27%. Nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành du lịch khi việc triển khai vắc xin sẽ giúp du lịch quốc tế được mở cửa, theo đó, Việt Nam hoàn toàn có thể trải qua những khó khăn.

Condotel rao bán cắt lỗ từ 100 – 300 triệu đồng vẫn không có người mua

Không riêng gì chủ đầu tư lớn, các nhà đầu tư thứ phát hay khách hàng cá nhân đã đổ vốn vào phân khúc căn hộ khách sạn cũng gặp khó khăn tương tự. Hiện, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin rao bán loại căn hộ này với giá thấp, thậm chí cắt lỗ sâu. Trên thị trường thứ cấp, hiện tượng cắt lỗ căn hộ nghỉ dưỡng xảy ra khá phổ biến, một số nhà đầu tư rao bán thấp hơn giá vốn 100 - 300 triệu đồng, nhưng cũng không ai mua.

Tình trạng rao bán cắt lỗ diễn ra ở tất cả các thị trường nghỉ dưỡng từ những điểm mới phát triển vài năm gần đây như Quy Nhơn, Ninh Thuận, Phan Thiết…, cho đến các khu vực trọng điểm về du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam)...

Trên thực tế, những nơi thường xuyên dẫn đầu và phát triển mạnh về nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Khánh Hòa, Bình Thuận..., thì trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây đều không ghi nhận nguồn cung mới và lượng tiêu thụ vẫn khá thấp. Các giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án mới mở bán trong quý.

Để thúc đẩy giao dịch trong phân khúc này, một số chủ đầu tư lớn đã phải thay đổi chiến lược bán condotel. Bên cạnh đó, thay vì bán những căn hộ hình thành trong tương lai vào năm ngoái thì các chủ đầu tư tiếp tục xây dựng và hoàn thiện xong sản phẩm cũng như những tiện ích hạ tầng rồi mới tung hàng ra bán. Thế nhưng, lượng giao dịch cũng chưa tốt như kỳ vọng.

Một yếu tố trở ngại nữa là tại nhiều dự án, các chủ đầu tư vẫn muốn giải quyết nốt sản phẩm còn tồn đọng - là những căn condotel kém đẹp nên khách mua càng không mặn mà. Thị trường BĐS nghỉ dưỡng hiện nay chủ yếu giao dịch là các sản phẩm thấp tầng như shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng…

Theo các chuyên gia, trong khi thị trường du lịch vẫn đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 thì những phân khúc phục vụ nhu cầu để ở sẽ có tính ổn định cao hơn, còn BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục gặp khó./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ).

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam