Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế khó đạt như kế hoạch

18:45 | 30/06/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến tăng trưởng GDP năm nay dự báo khó đạt như kế hoạch Chính phủ ban đầu đề ra là khoảng 6,5%, mà có thể chỉ đạt 6,1- 6,3%.

CVL

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Đây là nhận định của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sác tài chính - tiền tệ Quốc gia, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về tác động của đợt dịch Covid-19 hiện nay tới tình hình kinh tế xã hội (KTXH).

PV: Ông đánh giá thế nào về tác động của dịch Covid-19 hiện nay tới tình hình KTXH năm 2021 ?

TS Cấn Văn Lực: Tác động của đợt dịch này tới tình hình KTXH là rất lớn, khi dịch bệnh làm trì hoãn một số hoạt động KTXH cùng lúc ở cả 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến các trung tâm sản xuất như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương và một số khu vực khác.

Như vậy, dịch bệnh tác động tiêu cực đến sản xuất công nghiệp, nhất là chế biến - chế tạo. Lĩnh vực chịu tác động chính thứ hai là xuất khẩu, dù tăng tốt nhưng vì mức tăng xuất khẩu (nhất là của khu vực FDI) thấp hơn mức tăng chung, nên các số liệu nhập siêu 2 tháng gần đây cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn và rõ nét hơn trong tháng 6. Tiếp đến là lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng. Hai thị trường là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đóng góp 39% GDP toàn quốc, vậy mức tiêu dùng cũng phải chiếm tương đương 40%. Lĩnh vực du lịch, lưu trú, ăn uống liên quan đến du lịch gần như mất trắng mùa du lịch này.

Chịu tác động tiếp theo là khối tài chính - ngân hàng, do có độ trễ nên sẽ ngấm dần, tác động khiến nợ xấu tăng và khả năng sinh lời của ngân hàng năm nay cũng như một vài năm tới sẽ bị giảm hoặc tăng trưởng thấp hơn so với những năm trước dịch Covid-19. Theo ước tính của chúng tôi với Thông tư 03 (NHNN), các ngân hàng năm nay ước tính sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro thêm khoảng 40 - 44.000 tỷ đồng; nên dự kiến lợi nhuận ngân hàng năm nay chỉ tăng khoảng 15%, tương đương năm 2020. Ngoài ra, tất nhiên là thị trường lao động, việc làm sẽ ảnh hưởng nhiều, nhất là công nhân khu công nghiệp, nhân viên du lịch, nhà hàng, khách sạn, lao động tự do...

Chính vì vậy, tăng trưởng GDP dự báo sẽ khó đạt như kế hoạch Chính phủ ban đầu đề ra là khoảng 6,5%, mà có thể tăng khoảng 6,1- 6,3%, theo kịch bản cơ sở của chúng tôi.

PV: Nhiều ý kiến lo ngại về hiện tượng bong bóng giá tài sản khi giá bất động sản, chứng khoán tăng cao thời gian qua bất chấp kinh tế đang khó khăn. Quan điểm của ông ra sao ?

TS Cấn Văn Lực: Như đã nói trước đây, tôi giữ nguyên quan điểm về áp lực bong bóng tài sản, lạm phát hiện nay sẽ không kéo dài. Rổ hàng hóa thế giới từ đầu năm đến nay tăng giá khoảng 25%, Việt Nam thì vẫn phải nhập khẩu nhiều nên bị ảnh hưởng, áp lực lạm phát do chi phí đẩy tăng lên. Cùng với đó, các gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ toàn cầu được tung ra nhiều, ước tính tương đương 15,5% GDP bình quân toàn cầu.

Chính sách siêu nới lỏng này góp phần gây ra hiện tượng bong bóng tài sản, đẩy giá bất động sản, chứng khoán, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng. Ngoài ra, việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu nhân công do dịch bệnh cũng khiến giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa tăng. Từ đó, khiến nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản đe dọa thị trường tài sản, tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này chỉ là ngắn hạn khoảng 6 - 12 tháng hoặc là lâu hơn đến giữa năm 2022, nó sẽ dịu dần đi khi vaccine được tiêm rộng khắp. Lạm phát toàn cầu năm nay dự báo tăng từ 2% năm 2020 lên 2,8%. Năm tới lạm phát sẽ quay đầu giảm dần còn khoảng 2,5% khi các hiện tượng trên được kiểm soát và các khoản chi tiêu đột biến của các chính phủ sẽ giảm dần. Tương tự, ở Việt Nam, tôi đánh giá lạm phát năm nay sẽ không cao và ở trong tầm kiểm soát theo mục tiêu đề ra.

PV: Trong bối cảnh như vậy, còn dư địa nào cho chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hay không, thưa ông?

TS Cấn Văn Lực: Trước khi tính đến bất cứ chính sách mới nào, tôi cho rằng nên triển khai thật tốt những chính sách đã có. Với ngân hàng, cứ làm tốt Thông tư 03 (hiệu lực từ ngày 17/5/2021), Thông tư này đã tính đến trường hợp xảy ra dịch bệnh có thể còn tiếp tục hết năm 2021. Đồng thời, các bộ ban ngành và NHNN cần sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc thực hiện cho vay đối với Vietnam Airlines như Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ. Ngoài ra phải tiếp tục thúc đẩy gói cho vay nhà ở xã hội, khuyến khích cho vay các lĩnh vực ưu tiên khác, đó là năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục…

Về chính sách tài khóa, chúng ta đã có Nghị định 52 (ngày 19/4/2021) về giãn, hoãn thuế, vậy phải thực hiện cho nhanh, gọn, đúng đối tượng. Ngoài ra có thể xem xét giảm các phí, lệ phí khác, gồm cả phí công đoàn. Chính phủ cũng có thể xem xét một gói cho vay hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc những lĩnh vực chịu tác động của dịch bệnh. Nếu triển khai gói này với quy mô khoảng 50 - 60.000 tỷ đồng thì ước tính tiền cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng. Chúng ta cần rút kinh nghiệm làm trọng tâm trọng điểm ở một số lĩnh vực, địa bàn, không đại trà như đã làm năm 2009.

Một số ý kiến gần đây đề nghị giảm thuế VAT, tôi cho rằng phải rất cân nhắc. Nếu giảm sẽ kích cầu ngay nhưng làm giảm thu ngân sách rất lớn. Theo tính toán của chúng tôi, nếu giảm đại trà 1% thuế VAT cho mọi mặt hàng thì sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 38.000 tỷ đồng. Nên chăng tính toán chỉ giảm thuế VAT khoảng 2 - 3% ở một số mặt hàng chứ không đại trà.

Bên cạnh hỗ trợ từ gói tài khóa, tiền tệ; cần đẩy nhanh gói an sinh xã hội. Được biết Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang đề xuất gói hỗ trợ khoảng 27.000 tỷ đồng, song tôi cho rằng phải cần nhiều hơn, gồm cả trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tất nhiên, hỗ trợ an sinh xã hội có những khó khăn về xác định đối tượng, song phải chấp nhận có sai sót nhỏ ở mức hợp lý. Một trong những cách để đẩy nhanh hỗ trợ tiền cho người dân là ứng dụng thanh toán không tiền mặt như chuyển tiền qua dịch vụ ngân hàng số hay mobile money, vừa để giảm chi phí, thời gian và vừa tăng tính công khai, minh bạch, hạn chế thất thoát, sai sót….

PV: Xin cảm ơn ông!

Đầu tư công là một động lực quan trọng để phục hồi kinh tế


Theo số liệu công bố ngày 29/6 của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thúc đẩy đầu tư công thực chất và hiệu quả cũng là một giải pháp quan trọng như một động lực tăng trưởng hiện tại và sau này. Trong đầu tư công, cần ưu tiên nhiều hơn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hạ tầng số, dịch vụ y tế, giáo dục, phát triển "tam nông", nhất là khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. "Theo cơ quan thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,06 điểm %. Theo đó, nếu giải ngân hết lượng vốn đầu tư công theo kế hoạch là 560.000 tỷ đồng (gồm cả phần vốn chuyển tiếp từ năm trước), thì sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2021 tăng trưởng thêm 1,44 điểm %", TS Cấn Văn Lực cho biết.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam