Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất kể từ năm 2016

15:56 | 29/06/2021 Print
6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 67,1 nghìn. Đây là số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong 6 tháng đầu năm của giai đoạn 2016 - 2021.

TT

Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, cung cấp một số thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: PV

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng 44,8%

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới là 67,1 nghìn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký (942,6 nghìn tỷ đồng). Sự gia tăng về số lượng và vốn của DN đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng DN trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đây là số DN thành lập mới cao nhất trong 6 tháng đầu năm của giai đoạn 2016 - 2021.

Tổng số lao động đăng ký của các DN mới là 484,3 nghìn lao động, giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.152,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 23,7 nghìn DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2.095,1 nghìn tỷ đồng.

Theo khu vực kinh tế, trong 6 tháng đầu năm nay có 1.090 DN thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020; gần 18,2 nghìn DN thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 1,6%; 47,8 nghìn DN thuộc khu vực dịch vụ, tăng 11%.

Một số lĩnh vực hoạt động có số DN thành lập mới tăng cao là: kinh doanh bất động sản tăng 44,8% so với cùng kỳ năm trước; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 22,6%; giáo dục và đào tạo tăng 21,9%; vận tải kho bãi tăng 21,1%; thông tin và truyền thông tăng 16,3%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 11,5%; khai khoáng tăng 10,6%; nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 9,7%....

Có 3 lĩnh vực có số DN thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: sản xuất phân phối điện, nước, gas giảm 49,1%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 2,8%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 2,4%.

Bên cạnh đó, còn có 26,1 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 93,2 nghìn DN. Như vậy, tình trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

70,2 nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh

Ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm có 70,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó bao gồm: 35,6 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%, trong đó có 8.883 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 34,2%; 105 DN có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 2,8%.

DN hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 3.715 DN; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.138 DN; xây dựng có 881 DN; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 619 DN; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 563 DN; kinh doanh bất động sản có 497 DN; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 495 DN; vận tải, kho bãi có 445 DN; giáo dục, đào tạo có 333 DN; thông tin và truyền thông có 317 DN; sản xuất phân phối điện, nước, gas 201 DN. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Hơn 60% doanh nghiệp dự báo quý III chưa tốt lên

Theo ông Phạm Đình Thuý - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2021 cho thấy, có 30,5% số DN đánh giá tốt hơn so với quý I/2021; 37,7% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31,8% số DN đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý III/2021, có 39,2% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2021; 22,2% số DN dự báo khó khăn hơn và 38,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực DN FDI lạc quan nhất với 81,5% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2021; tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài nhà nước và DN Nhà nước lần lượt là 76,4% và 75,9%.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN quý II/2021, có 52,7% số DN cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 49,3% số DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 32,1% số DN cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 27,3% số DN cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 26,7% số DN cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 25,8% số DN cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 22,2% số DN cho rằng lãi suất vay vốn cao; 19,5% số DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 19% số DN cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam