Đón trúng cơ hội từ FTA, xuất khẩu nhiều ngành tăng mạnh

15:32 | 28/06/2021 Print
Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn bủa vây từ đại dịch, xuất khẩu nhiều ngành đã linh hoạt tận dụng hiệu quả cơ hội ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đạt mức tăng trưởng khá tốt.

xk

Xuất khẩu vào các thị trường có FTA đang tăng trưởng tốt. Ảnh: TL

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhờ vào FTA

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ đầu năm đến ngày 15/6 đạt 288,68 tỷ USD, tăng 33%, tương ứng tăng 71,55 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 143,36 tỷ USD, tăng 29,7% tương ứng tăng 32,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Một số nhóm hàng có mức tăng trưởng ấn tượng như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 6,43 tỷ USD, tương ứng tăng 68,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,34 tỷ USD, tương ứng tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,9 tỷ USD, tương ứng tăng 14,6%... so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý hơn cả trong bức tranh xuất khẩu thời gian qua, nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ các FTA đã ký kết để gia tăng kim ngạch xuất khẩu giữa bối cảnh khó khăn chất chồng.

Đơn cử, bất chấp nhu cầu tiêu dùng chưa khởi sắc do ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng mạnh nhờ tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo số liệu của Bộ Công thương, tại một số thị trường EU, mức tăng trưởng lên đến 2 con số như Bỉ tăng 37,0%, Hà Lan tăng 23,4%, Italia tăng 14,3%, Tây Ban Nha tăng 39,2%...

Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, lộ trình cắt giảm thuế quan của EU trong EVFTA dành cho giày dép Việt Nam khá nhanh và sâu. Một số mặt hàng cơ bản được cắt giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, còn lại có lộ trình cắt giảm trong khoảng từ 3 - 7 năm. Theo đó rất nhiều doanh nghiệp ngành da giày được hưởng thuế 0%, đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, ngành dệt may cũng đạt được con số tăng trưởng hơn 10% nhờ tận dụng cơ hội từ loạt FTA thế hệ mới là EVFTA, CPTPP, UKVFTA. Rất nhiều doanh nghiệp ngành này đã và đang khởi động chu kỳ đầu tư mới với các dự án nâng cao năng lực sản xuất, hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu…nhằm phấn đấu trong năm nay đạt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD ở kịch bản cao và 38 tỷ USD với kịch bản trung bình.

Đặc biệt, mới đây, lô vải thiều đã xuất sang EU, theo Hiệp định EVFTA, mở đường cho các lô hoa quả Việt Nam tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan tiến vào thị trường đầy tiềm năng này. Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), việc giảm thuế theo cam kết EVFTA là nền tảng quan trọng giúp trái vải cũng như các rau quả khác của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ khác chưa có FTA với EU như: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Cần nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa

Thực tế cũng cho thấy, dưới góc độ quản lý nhà nước, trong thời gian qua, nhiều ban, ngành, cơ quan đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa. Điển hình, Tổng cục Hải quan đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ mới. 100% các lô hàng xuất khẩu đều được thực hiện bằng phương thức điện tử và hầu như không phát sinh vướng mắc; cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp…

Theo số liệu từ Bộ Công thương, trong 5 năm gần đây, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32 - 34%/năm. Đơn cử, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, từ ngày 1/8/2020 - 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp Việt đang ngày càng nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA.

Về phía Bộ Công thương cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu, thay thế chiến lược 10 năm vừa qua. Trong đó xác định hướng đi mới cho xuất khẩu trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi và đây sẽ là sự hỗ trợ lớn nhất, cơ bản nhất của Bộ này trong dài hạn cho nền xuất khẩu nước ta.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, FTA thế hệ mới đang mở ra sân chơi mới đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Ở đó, hàng Việt được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan, nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh và đồng thời cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường nào đó như trước đây.

Tuy nhiên, để tiếp tục tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ hội từ các FTA, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt cần nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường cũng như sẵn sàng cạnh tranh thành công đối với các đối thủ.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hiểu rõ hơn nữa về các FTA và thông qua đó để thay đổi quy trình sản xuất, nguồn cung nguyên liệu nhằm đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để hưởng mức thuế quan ưu đãi. Trong đó, doanh nghiệp nên đặc biệt chú ý và tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp, ưu đãi về nguồn nguyên phụ liệu nội nhóm… Ngoài ra, doanh nghiệp cần nhanh chóng hướng đến tận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, thông qua đó gia tăng kết nối, tận dụng triệt để các FTA…/.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam