Để huy động được vốn, Starup cần xây dựng kế hoạch tài chính rõ ràng

11:01 | 27/06/2021 Print
Theo PGS.TS Nguyễn Cúc – Hội Kinh tế Việt Nam, startup cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong vòng 3-5 năm, cũng như có kế hoạch tài chính rõ ràng để hỗ trợ kế hoạch sản xuất kinh doanh. Các NĐT chỉ đầu tư vào startup nào nếu họ thấy được tiềm năng phát triển...

PV: Thưa ông, theo góc nhìn của mình, ông đánh giá thế nào về kết quả khảo sát các doanh nghiệp thuộc khu vực Bắc Trung bộ nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các biện pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo?

Để huy động được vốn, Starup cần xây dựng kế hoạch tài chính rõ ràng
Để huy động vốn thành công, bản thân người làm công tác quản trị trong startup cần phải chuẩn bị kỹ càng ngay từ khâu đầu tiên. Các NĐT chỉ đầu tư vào DN khởi nghiệp nếu họ thấy được tiềm năng phát triển. PGS.TS Nguyễn Cúc

PGS.TS Nguyễn Cúc: Khảo sát các doanh nghiệp thuộc khu vực Bắc Trung bộ là một hợp phần trong Đề án "Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) thông qua tuyên truyền, phổ biến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ KNST cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giai đoạn 2020-2023", do Trung tâm Thông tin Kinh tế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị chủ trì.

Dựa trên các tư liệu, số liệu thống kê và các nguồn dữ liệu, tài liệu từ các cơ quan chức năng tại các địa phương có doanh nghiệp khảo sát; ý kiến của các DNNVV hoạt động trên địa bàn … khảo sát đã hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ, đánh giá được thực trạng việc hỗ trợ phát triển DNNVV trong hệ sinh thái KNST; cùng với việc phân tích kinh nghiệm hỗ trợ các nội dung này của các Chính phủ nước ngoài, từ đó đề xuất mô hình, cơ chế hỗ trợ từ góc độ Nhà nước nhằm phát triển DNNVV trong hệ sinh thái KNST, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ KNST cho DNNVV ở Việt Nam cho giai đoạn tới.

Đồng thời, kết quả khảo sát đã cung cấp góc nhìn của doanh nghiệp đối việc hỗ trợ phát triển DNNVV trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, qua đó gửi gắm mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng tới các nhà hoạch định chính sách.

PV: Ông đánh giá thế nào về tính hữu ích và hiệu quả của Quỹ khởi nghiệp sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

PGS.TS Nguyễn Cúc: Sự bùng nổ của doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong thời gian qua đã kéo theo nhu cầu gọi vốn gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, việc tìm và kêu gọi vốn đầu tư tại Việt Nam đối với các startup không phải chuyện dễ dàng.

Mặc dù việc gọi vốn đã khởi sắc hơn nhờ một số đơn vị đầu tư vốn như: VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Vietnam, các Sharks từ chương trình Shark Tank nhưng số lượng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các startup, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, sự ra đời của các quỹ đầu tư KNST đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình thiết lập hoặc phục hồi các startup, qua đó, tạo dựng nên một môi trường đầu tư tiềm năng.

Quỹ đầu tư KNST là bước đầu để DNNVV KNST có cơ hội huy động nguồn vốn dồi dào và tiếp cận với nhà đầu tư (NĐT) có kinh nghiệm. Các NĐT cũng có thể mạnh tay thực hiện đầu tư vào các startup tiềm năng nhờ tiềm lực tài chính cộng hưởng từ cộng đồng các NĐT. Hành lang pháp lý được xây dựng cho quỹ đầu tư KNST tuy tương đối mới nhưng đang dần được hoàn thiện, cho thấy Chính phủ đang dần có sự khuyến khích, hỗ trợ tối đa dành cho các startup cũng như các NĐT vào startup. Điều quan trọng là các NĐT cần làm gì để có thể đầu tư vào các DNNVV KNST và các DN này cần làm gì để nhận được hỗ trợ vốn từ quỹ đầu tư KNST.

Đặt lên bàn cân với các phương thức đầu tư truyền thống, quỹ đầu tư KNST là một phương thức đầu tư khá mới và tiềm ẩn không ít rủi ro, nhưng nó có cơ chế “mở” khi các NĐT có thể thực hiện đầu tư vào nhiều starup tiềm năng nhờ tiềm lực tài chính cộng hưởng từ cộng đồng các NĐT mà không bị giới hạn.

a luoi
Trung tâm Thông tin Kinh tế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức khóa đào tạo, phổ biến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế vừa qua. Ảnh: T.H

PV: Thông qua thực tiễn và kết quả khảo sát, xin ông có thể cho biết, DNNVV nên có sự chuẩn bị hay cụ thể hơn là phải đáp ứng được những điều kiện nào cần và đủ để có thể nhận được hỗ trợ từ Quỹ KNST?

PGS.TS Nguyễn Cúc: Theo tôi, để huy động vốn thành công, bản thân người làm công tác quản trị trong startup cần phải chuẩn bị kỹ càng ngay từ khâu đầu tiên. Các NĐT chỉ đầu tư vào DN khởi nghiệp nếu họ thấy được tiềm năng phát triển.

Do vậy, startup cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong vòng 3-5 năm, cũng như có kế hoạch tài chính rõ ràng để hỗ trợ kế hoạch sản xuất kinh doanh. Kế hoạch cần cụ thể, thực tế không đầu tư dàn trải. Hệ thống sổ sách kế toán của DN phải đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng khi NĐT tìm hiểu sâu về DN… DN cần hiểu rõ bài toán thị trường trong khi huy động vốn bởi các NĐT, quỹ mạo hiểm luôn tìm kiếm những DN có tiềm năng phát triển và các sản phẩm của DN phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, sản phẩm, ý tưởng kinh doanh, startup cần xây dựng kế hoạch tài chính, dự báo dòng tiền, định giá DN. Kế hoạch tài chính phải có sức thuyết phục để chứng minh được cơ sở của các giả định có trong mô hình. Kế hoạch này phải xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau. Bởi vì, kế hoạch tài chính tốt sẽ là cơ sở để định giá DN dựa trên các phương pháp định giá hợp lý.

PV: Theo ông trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang rất khó khăn do tác động của dịch Covid-19, xin ông có thể cho biết chúng ta nên có giải pháp nào hữu hiệu và thiết thực nhất để hỗ trợ, giúp đỡ cho các DNNVV có thể vượt qua khó khăn, để tiếp tục phát triển?

PGS.TS Nguyễn Cúc: Để hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua được các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, theo tôi, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.

Cần quan tâm hơn nữa các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm DN này. Áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các DN duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động.

Xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các DNNVV trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Điều này cũng giúp các DN tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025; cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

T.H – Đ.V (thực hiện)

T.H – Đ.V (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam