TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất giảm giá dịch vụ hạ tầng giao thông thiết yếu

14:58 | 25/06/2021 Print
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP.Hồ Chí Minh đề xuất lùi thời gian, giảm giá dịch vụ hạ tầng giao thông thiết yếu trên địa bàn.

anh moi

Khu trung tâm dịch vụ cảng biển Cát Lái. TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

Theo đó, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII), chủ đầu tư BOT Xa lộ Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố (TP) xem xét chấp thuận giảm mức giá vé lượt và giãn thời gian hiệu lực của vé tháng, vé quý sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm thu phí Xa lộ Hà Nội.

Đối với mức giá vé lượt, từ ngày 1/7 đến 30/9/2021, giảm mức vé sử dụng dịch vụ thu phí 10% so với mức giá trong Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 18/3/2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Đối với vé tháng và vé quý, CII kiến nghị gia hạn 10% thời gian sử dụng đối với vé tháng, vé quý (không thực hiện giảm giá vé) cho khoảng thời gian có hiệu lực của vé trùng với giai đoạn giảm giá từ ngày 1/7 đến 30/9. Cụ thể, từ 1 đến 10 ngày thì được gia hạn thêm một ngày; từ 11 đến 20 ngày được gia hạn thêm hai ngày và tương tự cho các trường hợp khác.

Từ ngày 1/10/2021 trở đi, Công ty CII sẽ tiếp tục thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm thu phí Xa lộ Hà Nội theo Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 18/3/2021 của UBND TP.Hồ Chí Minh (TP. HCM).

Trước đó, UBND TP.HCM có tờ trình gửi Hội đồng Nhân dân TP về việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn.

Theo đó, điều chỉnh thời gian thu phí hạ tầng cảng biển vào 00 giờ, ngày 1/10/2021, giãn 3 tháng so với mốc thời gian hiện hành là 1/7/2021, sẽ tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

"Số tiền dự thu trong 3 tháng này là 723 tỷ đồng, xem như là một khoản hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, Uỷ ban Nhân dân TP.HCM cho biết.

Theo nội dung kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 mới đây, trong bối cảnh chưa thể tiêm vaccine toàn dân, đợt dịch bùng phát tháng 4 năm 2021 có thể kéo dài đến tháng 7 và nguy cơ bùng phát cao, các ổ dịch lớn xuất hiện tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm, đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế quý II/2021.

VÌ vậy, UBND TP.HCM cho rằng, mốc thời gian 3 tháng này được dựa trên kịch bản dịch Covid-19 có thể cơ bản được khống chế vào khoảng tháng 7, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi trong 2 tháng tiếp theo./.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam