Xếp hạng tín nhiệm tích cực tạo lực hút dòng vốn FDI

15:57 | 07/06/2021 Print
(TBTCVN) -Theo ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM), cùng với nỗ lực ứng phó hiệu quả của Chính phủ với dịch bệnh, việc được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực sẽ tạo lực hút dòng vốn FDI cho Việt Nam trong thời gian tới.

tc

Chính phủ cũng như phía Bộ Tài chính đã sớm có những hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí…

PV: Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng triển vọng lên “Tích cực”. Ông có bình luận gì về điều này và sức chống chịu cũng như khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam?

Ông Phạm Hoàng Hải: Việc Việt Nam được nâng triển vọng lên tích cực trong xếp hạng tín nhiệm là kết quả rất đáng khích lệ, cho thấy sức chống chịu và khả năng phục hồi tốt của nền kinh tế. Đó là thành quả đã được tích lũy và được thể hiện trong một quãng thời gian khá dài trong suốt hơn 15 tháng qua, kể từ khi Covid-19 bắt đầu. Thành quả này cũng chứng tỏ rằng việc phòng và chống dịch của Chính phủ Việt Nam rất tốt, tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong hoạt động và tạo ra kinh doanh. Chính vì vậy, nền kinh tế Việt Nam đã có tốc độ hồi phục khá nhanh. Làn sóng Covid thứ 4 này nếu tiếp tục đối phó tốt như cách Việt Nam đang làm thì khả năng đạt mức tăng trưởng tối thiểu từ 5,8 - 6% là rất hiện hữu.

hai

Ông Phạm Hoàng Hải

PV: Từ góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 của Bộ Tài chính?

Ông Phạm Hoàng Hải: Ngay từ tháng 4/2020, Chính phủ cũng như phía Bộ Tài chính đã sớm có những hỗ trợ cho cộng đồng DN như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí…. Đó là một động thái rất cần thiết và rất đáng hoan nghênh. Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng hỗ trợ cộng đồng DN nhanh, trong một thời gian ngắn hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia châu Âu. Đây thực sự là một trong những điều mà cộng đồng DN nước ngoài như chúng tôi cảm thấy rất trân trọng.

Về việc hỗ trợ tiền như châu Âu, Mỹ và một số quốc gia khác đang làm cũng có luồng ý kiến ủng hộ hay không ủng hộ. Tất nhiên về ngắn hạn, điều này sẽ giải quyết bài toán về kinh tế cho DN, nhưng đồng thời về trung và dài hạn sẽ làm nguy cơ lạm phát tăng cao, lạm phát đó tác động trực tiếp đến chính bản thân người tiêu dùng và bản thân DN. Trong khi đó chúng ta thấy rằng, nền kinh tế Việt Nam trong 2 năm qua mức lạm phát đều ổn định dưới mục tiêu 4% của Chính phủ. Cá nhân tôi nghĩ rằng, mức lạm phát dưới 4% này đem đến tác động tốt cho DN vì không làm cho đồng tiền bị mất giá nhiều. Duy trì được mức lạm phát ổn định là một biện pháp khá hiệu quả, ít nhất là cho tình trạng sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.

PV: Theo ông, trong bối cảnh Covid-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu, việc được cả 3 hãng xếp hạng tín nhiệm thế giới đồng loạt nâng triển vọng lên “Tích cực” sẽ giúp Việt Nam thu về những hiệu ứng gì cho nền kinh tế, nhất là trong thu hút FDI?

Ông Phạm Hoàng Hải: Trước dịch, Việt Nam cùng với một số quốc gia khác trong ASEAN được coi là điểm đến sáng giá, thậm chí trong 1 số ngành chỉ là sự cân nhắc giữa Việt Nam và Ấn Độ của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh này, các quốc gia có thể gọi là “đối thủ” cạnh tranh tiềm tàng của Việt Nam trong thu hút FDI đều phản ứng không xuất sắc với đại dịch như cách mà Việt Nam đã làm được. Trong thời điểm này, các nhà đầu tư nhận ra, Việt Nam thực sự là một điểm đến rất có giá trị kể cả về chính trị, về kinh tế - xã hội nói chung và sức phục hồi, sự tăng trưởng của nền kinh tế nói riêng, khiến Việt Nam trở thành một điểm đến rất đáng giá.

Nếu nhìn ở góc độ sau dịch, các nhà đầu tư cũng như các DN FDI, trong đó có cộng đồng DN Ý đều mong muốn thời điểm có thể đi lại được, dự kiến vào tháng 9 năm nay. Khi việc đi lại trở lại bình thường tôi tin chắc rằng có một làn sóng rất lớn và mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam để họ kiểm chứng lại Việt Nam như những gì họ từng nghe thấy, từng biết qua những bản báo cáo. Đại dịch sẽ không biến mất trong ngày một ngày hai, mà sẽ tồn tại trong ít nhất một vài năm nữa, quan trọng là các quốc gia, người dân và cộng đồng DN chung sống với nó sao cho hiệu quả nhất. Bản chất là rất nhiều quốc gia, DN đang gặp vấn đề về tài chính, dòng tiền nên khả năng và năng lực đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng sẽ giảm đi ít nhiều, vì họ có ít sự lựa chọn cho điểm đến đầu tư. Rõ ràng, Việt Nam vẫn đang là một trong số ít các điểm đến đầu tư rất an toàn về mặt kinh tế, chính trị, y tế và sự phát triển của nền kinh tế nên việc thu hút FDI cũng khá hợp logic.

Với các nhà đầu tư Ý, xếp hạng tín nhiệm tích cực của Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các DN, nhất là các DN chưa bao giờ tiếp cận với thị trường Việt Nam. Họ sẽ thường dựa vào tất cả các bản báo cáo phân tích của giới tài chính, ngân hàng, các tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm để làm công cụ nghiên cứu đầu tiên. Việc được nâng hạng là một tín hiệu tích cực và họ sẽ thông qua các kênh tham khảo thông tin bên ngoài để có được cái nhìn đa dạng, đa chiều nhất về môi trường an toàn cho sự đầu tư của mình.

Tôi cho rằng, với những tín hiệu tích cực gần đây của kinh tế và những đánh giá tích cực từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam, sự tăng trưởng dòng FDI sẽ tăng trưởng hơn nữa. Theo quan sát và dự báo của tôi thì sau 3 tháng đầu năm 2022 sẽ có một sự tăng vọt về đăng ký vốn FDI tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vắc-xin là điều kiện quan trọng để kinh tế phục hồi

Sức chống chịu và phục hồi tốt của nền kinh tế Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cộng đồng DN cũng như người dân chưa thể quay trở lại cuộc sống bình thường nếu chưa được tiêm vắc-xin, dẫn tới sức tiêu thụ của thị trường nội địa sẽ giảm. DN không được hoạt động bình thường thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tăng trưởng. Vì vậy, vắc- xin là một điều hết sức quan trọng để phục hồi kinh tế.

Thảo Miên (thực hiện)

Thảo Miên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam