Sản xuất hồi phục bất chấp làn sóng dịch lần thứ 4

23:28 | 04/06/2021 Print
Bất chấp làn sóng đại dịch bủa vây, trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tốt cho thấy doanh nghiệp đang nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn.

san xuat

Chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ. Ảnh: TL

Sản xuất công nghiệp tăng 9,9%

Bên cạnh việc tập trung phòng chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN trong khu công nghiệp đang sản xuất các mặt hàng xuất khẩu là rất cần thiết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, thời gian qua, các bộ, ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm sản xuất an toàn không để ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất.

Trong 5 tháng, một số ngành có mức tăng cao như sản xuất kim loại tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 35%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 15,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 13,6%...

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 ước tính tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành mũi nhọn tăng nổi bật như ngành chế biến, chế tạo tăng 14,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, ước tính IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện DN nước ta vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn bủa vây. Tại một số khu công nghiệp của nhiều tỉnh thành trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh… dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nền sản xuất.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và hiện vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng… nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát. Thống kê cho thấy, hiện cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn. Điều quan trọng nhất đặt ra là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của nước ta.

Dệt may, da giày - đã có tín hiệu khởi sắc

Bức tranh sản xuất công nghiệp 2 tháng được tô điểm màu sắc tươi sáng của hai ngành công nghiệp thế mạnh nước ta là ngành dệt may, da giày. Hai ngành này trong 5 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết và đi vào thực thi.

Theo đó đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay. Nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đang dần tăng mạnh.

Trong tháng 5, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 2,1% và 12,9%. Bên cạnh đó, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,1% và 21,2%. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9.1% và ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%. Còn kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 261,5 triệu m2, tăng 9,3% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 482,5 triệu m2, tăng 8,8% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.882,9 triệu cái, tăng 9,7%; giầy dép da ước đạt 121 triệu đôi, tăng 12,6%.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam