Áp lực lạm phát - không chủ quan trước nguy cơ hiện hữu

09:39 | 31/05/2021 Print
(TBTCVN) - Những biến động về giá đối với nhiều loại hàng hóa thiết yếu thời gian qua, cùng với diễn biến lạm phát nhiều nước trên thế giới tăng, ảnh hưởng từ khủng hoảng địa chính trị tại một số khu vực… đã dấy lên lo ngại về áp lực lạm phát ngày càng tăng trong thời gian tới.

15

Từ đầu năm đến nay, sắt thép, xi măng đã tăng từ 35 - 40%.

Dù không quá lo lắng, nhưng cũng không thể chủ quan trước những nguy cơ hiện hữu.

Dự báo nhiều mặt hàng có xu hướng tăng giá

Từ giá xăng sắt thép, thức ăn chăn nuôi đến giá nhà đất đều nhảy vọt trong 4 tháng đầu năm, khiến áp lực lên lạm phát ngày càng tăng.

Kể từ đầu năm đến nay, hàng loạt sản phẩm, nguyên liệu đầu vào đến nhiều tài sản đều lần lượt tăng giá. Chẳng hạn sắt thép, xi măng đã tăng từ 35 - 40%; bắp, đậu, cám gạo tăng từ 20 - 70%; giá xăng hiện nay cũng tăng gần 14% so với cuối năm 2020 và tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước; giá nhà đất, chứng khoán cũng bật tăng mạnh.

Quý I, trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá một số mặt hàng thực phẩm tăng đã đẩy CPI quý I tăng, như: giá thịt chế biến tăng 3,73%, giá thịt bò tăng 2,89%, giá thịt heo tăng 0,46%, gas bán lẻ trong quý I tăng 7,58% do biến động giá gas thế giới tăng, đẩy giá tiêu dùng tăng. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã có 9 lần tăng và giữ nguyên nhưng chỉ có 1 lần giảm, trong khi cơ quan điều hành vẫn liên tục phải chi sử dụng Quỹ bình ổn để kiềm chế giá xăng dầu.

Theo dự báo của Cục Quản lý giá, (Bộ Tài chính), trong tháng 5, nhiều hàng hóa thiết yếu có yếu tố tăng, giảm đan xen. Ví như, mặt hàng lúa gạo, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh có xu hướng diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, thị trường lúa gạo trong nước và thế giới dự báo có xu hướng tăng nhẹ.

Dự báo các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả trong tháng 5/2021 có xu hướng tăng do thời tiết chuyển nắng, nóng hoặc xuất hiện những cơn mưa dông lớn khiến cho ảnh hưởng đến việc nuôi trồng, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp. Thêm vào đó, tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm xuất hiện ngoài cộng đồng... nên cần thận trọng trong việc theo dõi, kiểm soát thị trường giá cả thực phẩm tươi sống tại những địa phương, vùng xuất hiện ổ dịch hoặc bị phong tỏa, cách ly.

Giá một số vật liệu xây dựng, như xi măng có thể tăng so với tháng 4/2021 do biến động tăng của đầu vào nguyên vật liệu. Giá thép xây dựng cũng có thể tăng nhẹ. Giá LPG ổn định hoặc giảm do giá bán lẻ LPG trong nước được điều chỉnh giảm giá theo mức biến động của giá LPG nhập khẩu. Tuy nhiên, mặt hàng xăng dầu đang tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá khi tình hình địa chính trị tại một số nơi đang hết sức căng thẳng.

Đáng mừng là giá lợn hơi giảm mạnh, nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, giá xuống dưới 70.000 đồng/kg. Một số nơi thương lái chỉ chào giá từ 62.000 - 67.000 đồng/kg lợn hơi. Đây là mức giảm sâu nhất từ sau Tết Nguyên đán đến nay và thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Như vậy, so với giá bán cách đây 1 tháng, giá lợn hơi đã giảm từ 10.000 - 23.000 đồng/kg, tùy địa phương

Còn dư địa để kiểm soát lạm phát

Trên cơ sở việc đánh giá dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021, kết hợp với đánh giá về lạm phát cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính ước tính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng 0,66% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, theo Cục Quản lý giá, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ “nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra”.

Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế liệu có thể diễn biến tăng cao đột biến tác động làm giá trong nước tăng theo; căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng địa - chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã kịp thời có chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc để giải “bài toán” về giá một số mặt hàng tăng nóng thời gian qua. Đối với công tác điều hành giá năm 2021, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Theo đó, cơ quan quản lý tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương cần chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá cả cho phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.

Đáng chú ý, các cơ quan quản lý thời gian tới sẽ tập trung làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, để chủ động xây dựng các kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án điều hành giá phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong đó, chú trọng việc đánh giá, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý; các hàng hóa thiết yếu có tác động ảnh hưởng đến CPI. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.

Không nên quá lo ngại

Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên quá lo ngại bởi chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 tốt, kinh tế hồi phục khá nên sức ép gây nên lạm phát cao chưa nhiều. Đồng thời, dư địa về chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam vẫn còn lớn để Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trần Thắng

Trần Thắng

© Thời báo Tài chính Việt Nam