Tiêu thụ vải thiều: Đánh thức tiềm năng, khai thác triệt để “sân nhà”

10:01 | 24/05/2021 Print
(TBTCVN) - Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, cũng giống như nhiều mặt hàng “made in Viet Nam” khác, đầu ra của trái vải thiều năm nay liên tục gặp khó khăn bởi dòng chảy xuất khẩu bị tắc nghẽn, gián đoạn.

vai

Trong bối cảnh đó, giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khai thác triệt để tiêu thụ tại thị trường trong nước trở nên cần thiết và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Lo lắng “đầu ra” cho vải thiều

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, theo tính toán của 3 tỉnh trồng vải lớn nhất nước là Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, sản lượng vải thiều năm 2021 ước đạt khoảng 250 nghìn tấn và thời gian thu hoạch từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7.

Trong đó, tại “đất” vải Bắc Giang năm nay có 28.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, hơn 200 ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867 ha xuất khẩu sang Trung Quốc - 149 mã vùng. Riêng huyện Lục Ngạn hiện có 15,45 nghìn ha vải thiều, tăng 160 ha so với năm 2020, sản lượng ước đạt hơn 120 nghìn tấn. Trong đó vải chín sớm khoảng 30 nghìn tấn. Dự báo thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 20/5, vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 - 20/7.

Bên cạnh đó, Hải Dương có tổng sản lượng vải thiều ước đạt khoảng 55.000 tấn trong năm nay. Trong đó, vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 33.000 tấn, chiếm 60% và xuất khẩu khoảng 22.000 tấn, chiếm 40%...

Tuy nhiên, khi chính vụ thu hoạch vải thiều đang gần kề thì đại dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp khiến không ít hộ nông dân và doanh nghiệp “mất ăn mất ngủ”. Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), việc tiêu thụ vải thiều, nhất là xuất khẩu trong năm nay dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện tại, nhiều phương án tiêu thụ vải thiều an toàn mùa dịch được đưa ra. Cụ thể, Bắc Giang xây dựng 3 phương án hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Nếu dịch được kiểm soát thì 50% vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ trong nước và 50% vải thiều sẽ xuất khẩu. Nếu dịch Covid-19 trên địa bàn không được kiểm soát một cách triệt để thì 70% vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ trong nước và 30% xuất khẩu. Dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95.000 tấn.

Trong trường hợp Bắc Giang không kiểm soát được dịch thì 100% vải thiều được tiêu thụ trong nước. Theo đó sẽ tập trung đưa vải vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn, các tập đoàn bán lẻ tại hệ thống siêu thị và sàn giao dịch thương mại điện tử đặc sản Lục Ngạn...

Đánh thức tiềm năng tiêu dùng tại thị trường nội địa

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng như hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước cần được chú trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta đã có nền tảng là kết quả to lớn từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Với ưu thế gần 100 triệu dân, thị trường trong nước được coi là cứu cánh cho các sản phẩm nông sản, trong đó có vải thiều.

Thống kê của Sở Công thương Bắc Giang cho thấy, hàng năm thị trường trong nước tiêu thụ từ 40 - 50% sản lượng vải thiều của Bắc Giang. Trên thực tế năm nay, để đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường nội địa, Bắc Giang đã thực hiện nhiều biện pháp quảng bá sản phẩm ngay từ khi vải chưa được thu hoạch, như phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), các tập đoàn phân phối, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối, doanh nghiệp, thương nhân trong nước để trao đổi thông tin về mùa vụ, các điều kiện tiêu thụ vải. Thành lập chuyên trang về vải thiều Bắc Giang để quảng bá và tiêu thụ vải thiều sâu rộng tại thị trường trong nước.

Trong đó, Bắc Giang đẩy mạnh việc mở rộng thị trường tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên thông qua các hoạt động hội chợ, kết nối giao thương hướng đến phân khúc thị trường tại các chợ đầu mối, các siêu thị, hệ thống bán lẻ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong nước. Đồng thời phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành để đưa vải thiều tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch trên cả nước, đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, các trung tâm du lịch trọng điểm trên cả nước trong mùa du lịch cao điểm hè…

Còn tại Hải Dương, bên cạnh duy trì các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, năm nay Hải Dương sẽ phát triển song song các thị trường mới ở miền Trung, Tây Nguyên…

Về vấn đề này, đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, tập trung vào thị trường trong nước sẽ giải quyết một phần rất lớn trong tiêu thụ nông sản. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành đánh giá sản lượng trái cây, nông sản ngay từ đầu vụ để có cơ sở tính toán kế hoạch tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để hướng dẫn trong công tác vận chuyển, tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa của các vùng trồng, đặc biệt là các vùng nông sản có diện tích lớn, thu hoạch tập trung, hạn chế tình trạng ùn ứ cục bộ…

Đến nay, đã có 6 doanh nghiệp, tập đoàn như Aeon, Central Group, Mega Market, Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cùng các chợ đầu mối tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hệ thống phân phối bán lẻ tại các trung tâm, siêu thị tham gia vào tiêu thụ vải cho Bắc Giang.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam