Định trần giá vé máy bay để điều tiết thị trường, bảo vệ người tiêu dùng

19:36 | 18/05/2021 Print
(TBTCVN) - Liên quan đến đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam bỏ trần giá vé với đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, nhiều chuyên gia cho rằng, nên thận trọng trước đề xuất này, bởi trong bối cảnh hiện nay, cần định giá trần để điều tiết thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

ve

Việc áp dụng trần giá vé sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ

Định giá tối đa ngăn việc tăng giá bất hợp lý

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng, vẫn cần quy định giá tối đa với vé máy bay nội địa. Theo vị nguyên là Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, kinh doanh hàng không là theo mùa, cao điểm và thấp điểm. Vào dịp cao điểm, như Tết Nguyên đán, thậm chí “cháy” vé máy bay. Việc Nhà nước kiểm soát giá tối đa không phải theo số lượng doanh nghiệp hay thành phần kinh tế tham gia, mà theo vị thế thống lĩnh của từng doanh nghiệp. Việc quy định giá tối đa để ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý, xâm hại tới quyền lợi người tiêu dùng.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác giá, PGS-TS. Ngô Trí Long thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Chỉ khi nào thị trường hàng không không còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thì Nhà nước mới để thị trường quyết định giá vé, bỏ giá trần vé máy bay”.

Vị chuyên gia này phân tích, hiện nay nhà nước có 2 phương thức quản lý giá, đó là Nhà nước định giá và để cho thị trường định giá. Nếu là thị trường cạnh tranh thực sự đầy đủ Nhà nước sẽ để cho thị trường định giá. Nhà nước chỉ can thiệp bằng các biện pháp gián tiếp như sử dụng các công cụ tài chính, tín dụng, thương mại và các biện pháp khác… Tuy nhiên, nếu còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thì Nhà nước định giá trần để điều tiết thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Luật Giá và Luật Cạnh tranh đều quy định về sự tham gia điều tiết thị trường của Nhà nước, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo Luật Cạnh tranh, các hãng đã nắm thị phần thống lĩnh thị trường, trường hợp này Nhà nước phải quản lý và định giá trần. Luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp: một doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên; hai doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; ba doanh nghiệp chiếm tổng thị phần là từ 65% trở lên; hoặc bốn doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên…

Do đó, theo ông Nguyễn Trí Long, đối với những thị trường vẫn còn những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường như thị trường hàng không hiện nay với 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet Air chiếm thị phần hơn 50%, chưa có cạnh tranh thực sự, Nhà nước vẫn phải quy định giá trần và không quy định giá sàn. Bởi theo ông, nguyên nhân là vì nếu vượt giá trần sẽ bất lợi cho người tiêu dùng.

“Chỉ riêng Vietnam Airlines và Vietjet đã chiếm trên 50% thị phần vận tải nội địa, còn theo đường bay như Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh thì 2 hãng này cũng chiếm quá nửa thị phần. Theo Luật Cạnh tranh, với thị phần như vậy, Nhà nước vẫn phải quản lý và định giá trần để ngăn doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá vô tội vạ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, Cục Hàng không đề xuất bỏ trần giá vé máy bay là chưa căn cứ theo các luật hiện hành” - ông Ngô Trí Long bình luận thêm.

Xem xét điều chỉnh khung giá do doanh nghiệp khó khăn

Trước đó, đại diện Vietnam Airlines đã nêu kiến nghị tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, về thẩm quyền quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa: Theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014: “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải”. Theo đó, việc xem xét điều chỉnh khung giá (bao gồm giá trần và giá sàn) dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

Về nguyên tắc định giá nhà nước, tại Điều 20 Luật Giá quy định rõ: Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

“Qua phản ánh báo chí, đây mới chỉ là phương án đề xuất của Vietnam Airlines. Việc xem xét điều chỉnh mức trần khung giá vé máy bay, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xem xét thận trọng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và rà soát từng yếu tố chi phí hợp lý, hợp lệ cấu thành giá vé máy bay theo quy định của pháp luật, đồng thời, tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh thích hợp (nếu có), đảm bảo phù hợp chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân; hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước” - văn bản gửi đến cơ quan báo chí gần đây của Bộ Tài chính khẳng định.

Sau kiến nghị của Vietnam Airlines, thì mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với đường bay nội địa. Theo cơ quan này, việc áp dụng trần giá vé sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ, bởi hiện nay có nhiều đối tượng hành khách có nhu cầu sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần để sử dụng dịch vụ hàng không tương xứng. Bỏ trần giá vé sẽ giúp các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn. Với đề xuất mới này, theo quy định phải sửa Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và khi có quyết định sửa luật, các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình sẽ phải thực hiện tổng kết, rà soát, đánh giá tác động theo đúng quy định.

Giữ khung giá để bình ổn thị trường từ năm 2015


Hiện nay, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản vẫn giữ nguyên mức tối đa theo 5 nhóm đường bay như mức ban hành từ tháng 8/2015, với mức giá vé 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều tùy theo cự ly đường bay. Giá vé nói trên chưa bao gồm các khoản thu khác như giá trị gia tăng, hành lý cùng một số loại thuế phí khác...

Trước đó, từ tháng 7 đến tháng 8/2018, các hãng hàng không đều đề xuất điều chỉnh mức giá phù hợp tình hình thực tiễn khi giá nhiên liệu bay tăng. Jetstar Pacific đề xuất tăng mức tối đa lên 25% so với quy định hiện tại. Vietjet Air và Vietnam Airlines đề xuất điều chỉnh mức giá phù hợp nhưng không đưa ra mức giá cụ thể. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc bình ổn giá, Bộ Giao thông vận tải vẫn quyết định giữ nguyên khung giá tối đa như thời điểm tháng 8/2015 cho đến nay.

Theo Cục Hàng không, thị trường vận chuyển hàng không nội địa Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 6 hãng: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, VASCO và Vietravel Airlines với đội máy bay khai thác 100% chủng loại máy bay chuyên chở hành khách, kết hợp vận chuyển hàng hóa, bưu kiện. Tỷ trọng vận chuyển hàng hóa nội địa bằng hàng không trong tổng thể các loại hình giao thông là 0,04%. Do vậy, việc nhà nước thực hiện định giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa qua đường hàng không chưa thực sự cần thiết.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam