Bắc Giang: Xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19

14:31 | 14/05/2021 Print
Ông Phạm Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản để chủ động tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bộ NN&PTNT

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Đó là thông tin tại hội nghị trực tuyến bàn các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản của một số địa phương đang vào mùa vụ thu hoạch cao điểm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng ngày 14/5/2021.

Tại hội nghị, ông Phạm Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, dự kiến, mùa vụ thu hoạch vải thiều sớm sẽ tập trung từ ngày 20/5 - 10/6, vải chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6 - 20/7. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản để chủ động tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19.

Kịch bản thứ nhất nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, việc tiêu thụ vải thiều không gặp ảnh hưởng lớn thì sẽ phấn đấu xuất khẩu khoảng 50% trong tổng sản lượng 180.000 tấn vải thiều; kịch bản thứ 2 nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát thì phấn đấu tiêu thụ trong nước 70%, 30% phục vụ xuất khẩu; kịch bản thứ 3 nếu dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện thì thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

“Chúng tôi cũng đã lên phương án đón các thương nhân Trung Quốc sang thu mua, tiêu thụ vải thiều, sau khi đã thực hiện cách ly và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các điểm cầu ở các tỉnh, thành phố lớn và phía Trung Quốc” – ông Tuấn cho biết.

Ông Phan Thế Tuấn đề nghị, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cử cán bộ hỗ trợ trong việc kiểm dịch để xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản. Bộ Công thương kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, chợ đầu mối... vào cuộc tiêu thụ vải; tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu. Tỉnh cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao quan tâm, tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải quả và đảm bảo yêu cầu về cách ly.

Theo ông Phan Thế Tuấn, các địa phương cũng cần sớm công bố các điều kiện xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông và đề nghị các địa phương tạo điều kiện trong vận chuyển hàng hóa. Còn Bắc Giang đảm bảo hàng hóa lưu thông an toàn dịch bệnh.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng xây dựng Kế hoạch sản xuất, tiêu thụ vải thiều đảm bảo an toàn dịch bệnh với mục tiêu phải bảo vệ bằng được vùng sản xuất vải thiều an toàn như Lục Ngạn, Tân Yên sạch bệnh Covid-19, đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ vải thiều.

Được biết, mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các địa phương lập chốt kiểm soát dịch Covid-19 và nghiên cứu xây dựng chứng nhận an toàn dịch Covid-19 cho các lô vải thiều xuất đi các thị trường trong và ngoài nước.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu, trước ngày 15/5, chính quyền các địa phương phải hoàn thành kế hoạch triển khai lập chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất vải thiều. Cụ thể, người ra vào vùng trồng vải thiều phải được kiểm tra, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt.

Các địa phương được yêu cầu lập danh sách và kiểm tra y tế đối với lái xe và phương tiện tham gia vận chuyển, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn. Lái xe chở vải thiều phải được mẫu xét nghiệm, khi có kết quả âm tính với Covid-19 thì cấp giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền để cho lưu hành.

Công nhân, nhân công lao động từ các địa phương khác đến tham gia thu hái vải thiều, đóng gói, vận chuyển vải thiều cũng phải được lấy mẫu xét nghiệm để bảo đảm an toàn dịch bệnh Covid-19.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ vùng sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu nhằm bảo đảm tất cả các lô quả vải xuất khẩu đều đạt tiêu chuẩn theo quy định. Các cơ quan chức năng nghiên cứu, lập hồ sơ xác nhận các lô vải thiều xuất đi các thị trường trong và ngoài nước bảo đảm an toàn Covid-19.

Diện tích vải năm 2021 của tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, trong đó đối với thị trường Trung Quốc tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng, với diện tích 15.856 ha, chiếm 56,4% tổng diện tích vải; sản lượng ước đạt 95.000 tấn, chiếm gần 52,8% tổng lượng sản lượng vải. Đối với thị trường Nhật Bản, tiếp tục chỉ đạo duy trì, cấp mới nâng tổng diện tích mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là 219,45 ha, với 30 mã số vùng trồng, 260 hộ nông dân tham gia, sản lượng khoảng 1.860 tấn. Đối với thị trường Mỹ, Úc, châu Âu... tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích 218 ha tại huyện Lục Ngạn, sản lượng 1.850 tấn...

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam