Xuất khẩu rau quả tiếp tục mở ra triển vọng tích cực

18:03 | 13/05/2021 Print
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả đang có triển vọng tốt, hơn nữa giá trái cây tại thị trường nội địa cũng khởi sắc. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam có nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

thanh long

Mặt hàng thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Khánh Linh

Thị trường Đài Loan ưa chuộng rau củ Việt Nam

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Hàng rau quả xuất khẩu chủ yếu tới các thị trường Trung Quốc, tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Đài Loan, Ucraina... tăng rất mạnh. Trị giá xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 12,87 triệu USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ NN&PTNT đánh giá, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Đài Loan trong 4 tháng đầu năm 2021 khá thuận lợi. Với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm nay, dự báo xuất khẩu hàng rau, củ, quả của Việt Nam sang thị trường Đài Loan sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới do yếu tố mùa vụ. Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, ngành rau quả cần chú trọng hơn đến nhóm quả và hạt vào thị trường Đài Loan, đây là nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh và giúp gia tăng giá trị xuất khẩu.

Cùng với chiều tăng của kim ngạch xuất khẩu, tại thị trường nội địa, trong tháng 4/2021, giá một số loại trái cây phía Nam tăng. Điển hình, tại tỉnh Quảng Nam dứa được mùa và giá dứa nhập tại ruộng cũng rất cao. Thương lái về thu mua dứa tại ruộng dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, cao gần gấp 2 lần các năm trước. Tại Tiền Giang, giá thanh long ruột đỏ hiện được thương lái thu mua tại vườn với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân lãi trên 15.000 đồng/kg...

Đàm phán với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam bàn tiêu thụ nông sản

Nhận định về tình hình sản xuất và tiêu thụ mặt hàng rau củ quả trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, các loại mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như rau, vải, nhãn… sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Để chủ động ứng phó với tình hình trên, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát lại tình hình sản xuất, sản lượng các loại mặt hàng rau củ quả. Các đơn vị kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) của Bộ sẽ chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế và kịp thời thông báo những thay đổi trong quy trình chống dịch của Trung Quốc ảnh hưởng đến thời gian thông quan để kịp thời xử lý. Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản tránh ùn tắc tại cửa khẩu; tập trung cho công tác chuẩn bị và hỗ trợ các địa phương để xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản…

Bộ NN&PTNT tổ chức các cuộc họp trực tuyến với một số địa phương trọng điểm, các doanh nghiệp lớn nhằm bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ quả vải, nhãn và một số rau củ quả khác tại thị trường trong nước trước tác động của dịch Covid 19. Cùng với đó, làm việc với Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan của các tỉnh có sản lượng quả vải lớn của khu vực phía Bắc (Bắc Giang, Hải Dương) về tổ chức, kiểm soát các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ quả vải của địa phương. Đặc biệt, tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tham tán, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc bàn kế hoạch kết nối xuất khẩu rau củ quả sang thị trường Trung Quốc.../.

Bộ Thương mại Algeria vừa thông báo cho Bộ Tài chính nước này về việc cập nhật danh sách các loại trái cây tạm ngừng nhập khẩu vào Algeria trong thời gian thu hoạch. Tổng cộng có 13 loại trái cây gồm cam, quýt, mơ, quả anh đào, quả đào, mận, nho, lê, táo, hạnh nhân, vải, lựu, sơn trà và mộc qua thuộc đối tượng nêu trên. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Algeria khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu các trái cây này sang Algeria nên sẽ không bị ảnh hưởng từ quyết định này.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam