Việt Nam thu về 817 triệu USD từ xuất khẩu cao su

21:38 | 12/05/2021 Print
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 4 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 486 nghìn tấn và 817 triệu USD. Dự báo từ năm 2021-2024, giá cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung cao su đang giảm dần.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cho biết, khối lượng cao su xuất khẩu tháng 4/2021 ước đạt 80 nghìn tấn với giá trị 143 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm 2021 đạt 486 nghìn tấn và 817 triệu USD, tăng 79,6% về khối lượng và tăng 111,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021, chiếm thị phần lần lượt là 64,2%, 5,1% và 2,7%.

Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su thiên nhiên dạng nước tại Đồng Nai tháng 4/2021 tăng nhẹ, từ mức 9.500 đồng/kg lên 10.500 đồng/kg. Giá mủ cao su ở Đông Nam Bộ được các thương lái thu mua dao động quanh mức 315 - 325 đồng/độ mủ. Giá mủ SVR trong nước từ Tết Nguyên đán đến nay không có biến động lớn. Ngày 23/4, mủ SVR 20 tiếp tục có mức thấp nhất 25.206,3 đồng/kg; SVR L đạt 39.297,13 đồng/kg; SVR GP đạt 25.677,86 đồng/kg; mủ SVR 10 đạt 25.318,58 đồng/kg.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, bên cạnh việc đóng cửa nhà máy do đại dịch và tình trạng thiếu chip, ngành công nghiệp sản xuất ô tô toàn cầu còn phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn cung cao su. Nguồn cung cao su toàn cầu bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container vận chuyển quay trở lại, việc Trung Quốc tăng cường dự trữ và dịch bệnh hoành hành cũng ảnh hưởng đến sản lượng cao su cung cấp ra thị trường. Theo đó, các chuyên gia dự báo, trong giai đoạn trung hạn từ năm 2021-2024, giá cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung cao su đang giảm dần.

Tại cuộc hội thảo trực tuyến “Công bố Báo cáo toàn cảnh ngành cao su” do Hiệp hội Cao su Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest Trends tổ chức mới đây, TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends nhận định, xuất khẩu cao su chế biến của Việt Nam ngày càng mở rộng ra nhiều thị trường khó tính và ở xa như châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, các thị trường này đang đòi hỏi sản phẩm cao su chế biến phải đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm hợp pháp là bắt buộc.

Với thực trạng hiện nay, lượng cao su thu hoạch tiểu điền đã lớn hơn cao su đại điền, ngành cao su Việt Nam cần có những thay đổi trong tương lai để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Theo đó, cần minh bạch hóa về các chuỗi cung sản xuất; các thông tin về luồng cung nguyên liệu đầu vào, hoạt động trong các khâu của chuỗi, quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động về kinh tế, môi trường và xã hội, mức độ tuân thủ/bất tuân thủ của các bên liên quan tham gia vào các hoạt động… cần được tài liệu hóa.

Hiện có khoảng 170 doanh nghiệp tham gia chế biến mủ cao su thiên nhiên tại Việt Nam với tổng công suất thiết kế khoảng 1,31 triệu tấn/năm. Tính đến nay, các thị trường được Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm cao su tinh chế lên tới khoảng 175 quốc gia và vẫn đang được tiếp tục mở rộng.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam