Nguồn cung dồi dào, thị trường không thiếu hàng, sốt giá

20:16 | 06/05/2021 Print
(TBTCVN) - Giá cả vào dịp những ngày cuối tháng 4 không có biến động. Do thời tiết thuận lợi, nên nguồn cung mặt hàng rau củ quả dồi dào; giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng ổn định.

cpi

Dịp nghỉ lễ dài 30/4 và 1/5, giá hàng hóa dịch vụ phục vụ ngày nghỉ lễ, giá cước vận tải có biến động nhẹ.

Hàng hóa dồi dào phục vụ người dân dịp nghỉ lễ

Khảo sát một số chợ dân sinh, siêu thị vào dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và dịp 30/4 và 1/5, giá cả ổn định. Tại nhiều siêu thị lớn vẫn duy trì các chương trình khuyến mãi luân phiên đối với các thực phẩm, đồ gia dụng các loại… để kích cầu tiêu dùng.

Hiện nay, tại các siêu thị, các doanh nghiệp phân phối đã dự báo được nhu cầu của người dân và có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng, kể cả nhu cầu tăng thêm khi có những biến động bất thường. Nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh thành khác. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với tháng trước, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Qua tham khảo tại các chợ truyền thống, thời điểm này hàng hóa khá dồi dào. Tại một số chợ, sức mua có giảm nhẹ, người tiêu dùng tại các thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn là tại các chợ. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20 - 30% so với trước khi có dịch bệnh.

Gần đây, trước những lo ngại về nguồn cung thực phẩm trên thế giới căng thẳng do dịch bệnh, thì ở Việt Nam, vẫn đảm bảo được nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho đời sống người dân.

Khảo sát giá cả tại các tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, giá lợn hơi những ngày gần đây đồng loạt giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Ví dụ như tại khu vực miền Bắc, giá lợn giảm từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg ở một số địa phương và dao động trong khoảng 72.000 - 75.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi biến động nhẹ tại một số địa phương và được thương lái thu mua dao động trong khoảng 72.000 - 75.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, tỉnh Thừa Thiên - Huế giao dịch ở mốc 72.000 đồng/kg sau khi nhích nhẹ 1.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi cũng không nằm ngoài xu hướng đi xuống và đang dao động trong khoảng 72.000 - 75.000 đồng/kg.

Giá rau củ, thực phẩm tại nhiều vùng miền đều ổn định do thời tiết đến nay cơ bản thuận lợi. Tại khu vực miền Nam, giá một số loại trái cây cũng có xu hướng giảm, giá xoài cát chu 10.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg, xoài 3 màu có giá 10.000 đồng/kg, xoài 3 màu (loại xô) có giá 6.000 đồng/kg. Giá bưởi da xanh giảm nhẹ, loại 1 có giá 22.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg, bưởi da xanh loại 2 có giá 15.000 đồng/kg...

Áp lực giá dầu có khiến lạm phát vượt trần?

Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu tăng liên tục sau nhiều phiên điều hành, với khoảng hơn 4.000 đồng/lít, nhưng giảm giá lại nhỏ giọt, do giá thế giới đang giằng co, chỉ giảm nhẹ.

Nếu không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thì giá mặt hàng này trên thực tế phải tăng rất cao so với giá được điều chỉnh. Mức chi sử dụng quỹ có thời điểm đã lên đến gần 2.000 đồng/lít xăng.

Những diễn biến giảm nhẹ của giá dầu thế giới hiện nay, cũng không bớt được đà tăng nóng của giá xăng dầu trong nước. Nhiều ý kiến lo ngại, liệu giá dầu thế giới tăng cao có khiến lạm phát trong nước vượt trần.

Ngay từ đầu năm, dự báo về tình hình giá cả hàng hóa, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, năm 2021 có một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cả như: Nhóm mặt hàng nhiên liệu, trong đó có xăng dầu diễn biến phức tạp, tăng giảm bất thường rất khó dự báo. Ngay cả nhóm mặt hàng thiết yếu, trong đó có thịt lợn cũng khó ổn định giá nếu không kiểm soát được dịch bệnh. Nguồn cung thiếu sẽ ảnh hưởng đến thị trường.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, năm 2021 vẫn rất khó đoán định. Do đó, công tác điều hành giá cần tiếp tục điều hành một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Cùng với đó là nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đối với những nhóm giải pháp mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đề ra cần được phối hợp thực hiện tốt ngay trong các dịp lễ tết.

Ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) dự báo, lạm phát năm 2021 ở thời điểm đầu năm sẽ ở mức thấp và sẽ tăng dần lên ở các tháng sau đến cuối năm. Tuy nhiên, nếu như thời điểm đầu năm thấp thì cuối năm tăng cao cũng chỉ lên mức trên 3%.

Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo, có hai kịch bản có thể xảy ra ảnh hưởng đến CPI của năm 2021. Kịch bản thứ nhất, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới dần phục hồi, giá thế giới sẽ tăng mạnh do tác động kép từ việc kinh tế phục hồi và tác động của các gói kích cầu khổng lồ được các nước tung ra. Khi đó, mặt bằng giá Việt Nam sẽ chịu sức ép tăng, nếu không có các biện pháp quyết liệt, CPI bình quân có thể tăng từ 4 – 4,5%.

Kịch bản thứ hai, đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, kinh tế thế giới chưa phục hồi, giá thế giới không tăng mạnh dẫn đến mặt bằng giá tại Việt Nam cũng khó tăng cao thì dự báo CPI bình quân cả năm khoảng 3,8 - 4%. Dù ở kịch bản nào, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn phải đạt được.

Giá lương thực, thực phẩm giảm, CPI tháng 4 giảm 0,04%


Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước vì giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào, đưa CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam