Nền sản xuất đang phục hồi nhưng không thể chủ quan

17:09 | 06/05/2021 Print
Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm, nhất là các ngành xuất khẩu mũi nhọn sau thời gian suy giảm vì "bão" dịch đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế.

san xuat

Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế. Ảnh: TL

4 tháng, sản xuất trong nước tiếp tục tăng tốc

Theo đánh giá của Bộ Công thương, tháng 4/2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt tại nước ta, sản xuất công nghiệp tháng 4/2021 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với mức tăng cao 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, IIP ước tính tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,7%.

Trong đó có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép cán tăng 61,8%; ô tô tăng 52,5%; điện thoại di động tăng 21,3%; ti vi các loại tăng 20,9%; xe máy tăng 20%; bia các loại tăng 18,1%; sắt, thép thô tăng 17,4%; giày, dép da tăng 13,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 12%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 10,1%.

Đáng chú ý hơn cả là nhóm hàng dệt may, da giày trong 4 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTAs đã ký kết và đi vào thực thi.

Theo đó, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 7,8% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9.5%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 9,51 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 35,7%. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 6,392 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, có thể thấy, hầu hết các mặt hàng thế mạnh của nước ta đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.

Không chủ quan với những con số "mong manh"

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song theo Bộ Công thương nhận định, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của Việt Nam 4 tháng đầu năm đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế. Tuy nhiên chưa đồng đều trong các lĩnh vực và vẫn đang rất mong manh khi thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở các nước láng giềng cũng như ở trong nước.

Vì vậy, theo Bộ Công thương, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực rất cao trong việc thực hiện nghiêm các giải pháp vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra.

Quán triệt sự chỉ đạo của Chính phủ kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, các bộ, ngành đang chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh. Đồng thời tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại như hiện nay, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, đảm bảo vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam