Dệt may tranh thủ CPTPP để chiếm lĩnh thị trường châu Mỹ

14:07 | 29/04/2021 Print
Một trong những khó khăn đang cản bước sản phẩm dệt may đẩy mạnh xuất khẩu vào châu Mỹ thông qua Hiệp định CPTPP là vấn đề về quy tắc xuất xứ. Song đây cũng là động lực để DN dệt may thiết lập được chuỗi cung ứng nhằm được hưởng ưu đãi thuế quan một cách trọn vẹn.

det may

Từ khi thực thi CPTPP, các thị trường truyền thống đều mong muốn tăng trưởng lượng nhập khẩu từ May 10 để đón đầu cơ hội từu ưu đãi thuế quan. Ảnh: TTXVN

Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10, nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCO xung quanh câu chuyện tận dụng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để gia tăng xuất khẩu dệt may.

*PV: Xin ông cho biết, trong thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp sang một số nước châu Mỹ theo Hiệp định CPTPP có sự thay đổi như thế nào?

- Ông Thân Đức Việt: Tại châu Mỹ, thị trường lớn nhất cho xuất khẩu dệt may nói chung là thị trường Mỹ, thứ hai là thị trường Canada.

Còn trong khối CPTPP, hiện ở châu Mỹ, Canada là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Kế tiếp đó là các thị trường Chile và Mexico…

CPTPP bao gồm 11 nước: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru và Việt Nam.

Trong 11 nước thành viên, trước khi ký kết Hiệp định CPTPP, Tổng công ty May 10 đã có quan hệ thương mại, xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống với là Nhật Bản, Chile, Canada… Điểm đáng chú ý là từ khi thực thi CPTPP thì các thị trường truyền thống này đều rất mong muốn tăng trưởng lượng nhập khẩu từ May 10 để đón đầu cơ hội từ ưu đãi thuế quan.

*PV: Bên cạnh Mỹ với mức tăng trưởng khá cao, một thị trường mới nổi được đánh giá rất tiềm năng là Canada có mức tăng trưởng như thế nào, thưa ông?

Ông Thân Đức Việt

Ông Thân Đức Việt

- Ông Thân Đức Việt: Riêng tại thị trường Canada, lâu nay mặt hàng xuất khẩu chính là veston, quần áo khoác các loại – cũng là mặt hàng nằm trong danh sách được hưởng ưu đãi về dòng thuế về 0% ngay sau khi triển khai Hiệp định CPTPP. Còn lại những dòng hàng khác sẽ được hưởng sau 4 năm. Tức là đến đầu năm 2023 thì gần như 100% mặt hàng xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào Canada. Đây là một trong những động lực quan trọng để sản phẩm May 10 chiếm lĩnh thị trường tiềm năng lớn thứ 2 này.

Thực tế hiện nay, tỷ trọng xuất khẩu vào Canada chưa nhiều. Tuy nhiên nếu nói về tốc độ tăng trưởng kể từ khi thực thi Hiệp định CPTPP, thì rất triển vọng. Ví dụ năm 2019, mới xuất khẩu vào Canada khoảng 700 nghìn USD, đến năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19, xuất khẩu vẫn tăng cao. Sản phẩm xuất khẩu truyền thống như veston tuy giảm nhưng lại tăng xuất các sản phẩm về trang thiết bị bảo hộ y tế… Điều đó đã đẩy con số kim ngạch lên 1,5 triệu USD.

Trong năm 2021, thông qua khách hàng, vừa là trực tiếp vừa là trung gian, dự kiến con số xuất khẩu vào thị trường Canada sẽ đạt khoảng 6,5 triệu USD.

Như vậy, có thể thấy chỉ trong vòng 3 năm, kim ngạch của May 10 xuất khẩu vào thị trường Canada tăng gấp 5 lần. Đây là một con số rất ấn tượng, đưa tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này sẽ chiếm 4% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của May 10.

*PV: Xin ông cho biết, để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường châu Mỹ, thời gian tới, Tổng công ty May 10 có kế hoạch cụ thể như thế nào?

- Ông Thân Đức Việt: Hiện tỷ trọng May 10 xuất khẩu vào các thị trường nội khối CPTPP vẫn còn khá khiêm tốn. Trong đó, một trong những khó khăn đang cản bước sản phẩm dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ là vấn đề về nguồn nguyên phụ liệu, quy tắc xuất xứ.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đánh giá “nút thắt” này sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, chính “nút thắt” này sẽ là động lực để May 10 thiết lập được chuỗi cung ứng, đảm bảo việc xuất xứ nguyên liệu từ sợi cũng như việc nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thể mở rộng, đẩy mạnh công đoạn sợi, dệt, nhuộm để chúng ta có thể có được một xuất xứ hoàn chỉnh, được hưởng ưu đãi thuế quan một cách trọn vẹn.

Bên cạnh đó, để phát triển hơn nữa tại thị trường này, ngay từ khi CPTPP có hiệu lực, bên cạnh việc khai thác các khách hàng truyền thống, chúng tôi đã mở rộng được nhiều khách hàng mới, nhất là khách hàng trung gian tại thị trường này.

Ví như, chúng tôi tận dụng chính các đối tác trung gian đang khai thác tại thị trường Canada – đây cũng là lý do quý I/2021 vừa qua cũng như sắp tới, xuất khẩu vào thị trường Canada đạt mức tăng trưởng bứt phá.

Ngoài ra, May 10 còn tận dụng kênh khai thác khác như thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, phối kết hợp với các tham tán tại các thị trường châu Mỹ để mời gọi các doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực dệt may.

* PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam