Cần giải pháp tăng năng suất lao động ở Việt Nam

19:00 | 28/04/2021 Print
Theo các chuyên gia, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện năng suất lao động, nhưng tốc độ vẫn còn chậm so với yêu cầu. Vì vậy, cần giải pháp đồng bộ để đuổi kịp năng suất lao động tại một số nước trong khu vực.

hội thảo

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Nam.

Ngày 28/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam - Nguồn gốc và thách thức cho sự tăng trưởng”.

Giai đoạn 2016 - 2020, năng suất lao động tăng bình quân 5,8%/năm

Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, với mong muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam cần tăng năng suất lao động quốc gia. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện năng suất lao động, nhờ đó đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ tăng năng suất lao động.

Cụ thể, năng suất lao động năm 2020 tính theo giá so sánh với năm 2010 chỉ tăng 5,4%, đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động). Mức tăng này cao hơn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Ông Lộc cho biết, giai đoạn năm 2016 - 2020, năng suất lao động của Việt Nam cũng được cải thiện rõ nét với mức tăng bình quân 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng… từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia.

“Như vậy, không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng lên rất nhanh về năng suất. Đây là điều cho phép một nền kinh tế cất cánh đến thu nhập cao. Theo đó, Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu là đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao” - ông Lộc cho hay.

Chuyển đổi số thúc đẩy năng suất lao động

Khuyến nghị giải pháp nâng cao năng suất lao động thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS) cho biết, theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tính cho cả giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể. Có thể thấy đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động.

Cùng với đó, khi Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa sản xuất hàng may mặc, dày dép và các thiết bị điện tử để xuất khẩu dưới sự hướng dẫn và quản lý của nước ngoài, cần phải đạt được hiệu suất cao để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau đó dần dần nâng cấp từ “giá rẻ, phổ thông” thành “hàng chất lượng cao, thượng lưu”.

Mục tiêu cuối cùng các quốc gia nên hướng tới là trở thành nước tạo ra các hàng hóa dịch vụ mới, có khả năng đáp ứng được đòi hỏi khắt khe trên toàn cầu, từ đó mang lại lợi nhuận cao cho những người phát minh và thương mại hóa chúng.

Còn theo GS. Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Nhật Bản và APO... một số chương trình cải thiện năng suất của Việt Nam đã được triển khai trong thời gian qua, góp phần không nhỏ cho kết quả tăng năng suất lao động của Việt Nam trong hiện tại.

Có 10 công cụ tăng năng suất lao động mà Nhật Bản đã tiến hành và đạt được không ít kết quả tốt ở tại Nhật Bản cũng như nhiều nước châu Á khác và trên thế giới, nhưng lại chưa được vận dụng hiệu quả tại Việt Nam. Việt Nam nên học hỏi các công cụ này một cách cẩn trọng và lựa chọn thực hành theo trình tự thích hợp tùy vào tình hình và điều kiện thực tế của mình.

“Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng hợp tác xa hơn nữa và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang hỗ trợ, giúp Việt Nam gia tăng năng suất lao động một cách hiệu quả. Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong nền kinh tế cũng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động” - GS. Kenichi Ohno khẳng định./.

Văn Nam

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam