Ngành thủy sản: Liên kết hạ giá thành sản phẩm

15:47 | 26/04/2021 Print
Nguồn cung nguyên liệu thức ăn thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề, giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt.

Thủy sản

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Sáng ngày 26/4/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị “Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới”.

Giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm

Tại cuộc họp, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, mặc dù chịu tác động mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành thủy sản vẫn đạt được những kết quả tích cực. Năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1.300 nghìn ha; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành).

Tuy nhiên, ông Trần Đình Luân cho biết, ngành thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới. Hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa. Vận tải biển bị ngưng trệ. Một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng. Một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới.

Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu thức ăn thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề, giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương, cá song… cũng giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong ngành thủy sản tháng 1 và tháng 2/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, biên độ giá một số nguyên liệu chính như sau: Bột cá tăng 1,07%; bã nành tăng 38,6%; bột thịt gà tăng 25,42%; bắp tăng 15,84%... Từ tháng 3/2021 giá các loại ngũ cốc gồm: ngô, đậu nành… tiếp tục tăng.

Trước sự biến động cao của giá nguyên liệu, một số loại thức ăn thuỷ sản cũng tăng giá bán so với năm 2020. Cụ thể, mức tăng giá những tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 của thức ăn cá tra 40 đạm tăng 11%; thức ăn cá tra 22 - 30 đạm tăng 11%; thức ăn cá rô, rô đồng tăng 11,2%...

Liên kết để giảm áp lực về giá

Để giảm áp lực lên giá thành cũng như tăng cường sức cạnh tranh của ngành hàng này, ông Trần Đình Luân đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật là đơn vị được giao kiểm tra chất lượng và kiểm dịch nguyên liệu nhập khẩu, thống kê đầy đủ về giá thành nguyên liệu, thị trường nhập khẩu chính và tham mưu Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan phương án, giải pháp đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi để có nguồn nguyên liệu ổn định, phù hợp; đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn để ổn định sản xuất.

Đồng thời, các địa phương cần quan tâm phát triển các mô hình liên kết chuỗi để giảm trung gian, giảm giá thành sản xuất; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, lưu thông giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, trục lợi, ép giá, tung tin thất thiệt...

Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần có giải pháp kịp thời, quyết liệt để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của ngành thủy sản năm 2021. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, phải giảm các đại lý trung gian, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

"Tổng cục Thủy sản phải quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư thủy sản; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm; triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản giúp cho người nuôi ổn định sản xuất. Tránh lợi dụng để tăng giá bất hợp lý” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu.

Ngoài ra, ngành thủy sản cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam