Mở rộng ‘sân chơi’ để logistic Việt cất cánh

12:13 | 21/04/2021 Print
Đến nay, số lượng doanh nghiệp logistic tuy nhiều nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, nhân lực, kinh nghiệm… và chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng, giữa doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bị hạn chế về "sân chơi"...

logistic

Để mở rộng được “sân chơi” thi các doanh nghiệp logistic Việt phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: TL

Doanh nghiệp logistic: Số lượng nhiều nhưng không “chất”

Tại hội thảo “Phát triển thị trường dịch vụ logistics cho doanh nghiệp” diễn ra ngày 20/4, đánh giá về tiềm năng phát triển ngành logistic Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng.

Phân tích về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho hay, sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử đã và đang khiến thói quen tiêu dùng thay đổi từ mua bán truyền thống sang mua hàng trực tuyến.

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Hơn thế nữa, nền kinh tế nước ta đang mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng, với hơn 500 tỷ USD xuất nhập khẩu mỗi năm và quy mô vận tải hàng hóa đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt đều rất lớn. Có thể khẳng định đây chính là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp logistics tìm kiếm cơ hội và phát triển.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phân tích, thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử đã và đang được nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics ứng dụng. Thực tế thời gian qua cho thấy, công nghệ đã giúp thay đổi ngành logistics lên một tầm cao mới về chất và giúp chủ hàng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, người tiêu dùng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, ngành logistic nước ta còn tồn tại không ít hạn chế, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện nay 95% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu chỉ có quy mô nhỏ, hạn chế cả về vốn và nhân lực. Trong khi đó trình độ cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế còn thấp. Đặc biệt, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt nhịp quốc tế

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp logistic, thời gian qua, hoạt động logistic bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của “bão” dịch và có sự phát triển không đồng đều giữa các mảng ngành. Trong khi một phần hoạt động logistics bị ngưng trệ thì ở phân khúc khác như logistics phục vụ thương mại điện tử lại quá tải. Bên cạnh đó, giá xăng dầu dao động ở biên độ lớn và cơn khát về kho cảng khi nguồn cung bất động sản logistics khan hiếm và mức giá thuê cao cũng khiến doanh nghiệp khó khăn.

Bên cạnh đó, không chỉ cung cấp chuỗi dịch vụ logistics chưa hiệu quả mà còn bị cạnh trạnh gay gắt ngay cả trên thị trường nội địa, cũng như khu vực và thế giới nên doanh nghiệp logistic rất khó để phát triển. Mặt khác, hiện nước ta chủ yếu vẫn là gia công nên giá trị thực tế không cao, giá trị thu được chỉ khoảng 10% mỗi đơn hàng. Khi xuất khẩu, ta giao hàng đến mạn tàu (giá FOB), phía bạn hàng chỉ định hãng tàu và trả tiền vận chuyển. Chính vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều bao nhiêu thì đa số việc vận chuyển đều rơi vào tay những tập đoàn vận chuyển đa quốc gia, “sân chơi” của chúng ta vẫn rất nhỏ.

Trước tình hình đó, theo các chuyên gia, để mở rộng được “sân chơi” thì các doanh nghiệp logistic Việt phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cần nhanh chóng hướng đến chuyển đổi số và bước chân được vào chuỗi cung ứng, linh hoạt cung cấp giải pháp thanh toán, giải pháp logistics, các mô hình mới với đặc thù...

Đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất. Thông qua đó, hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường để cùng nắm bắt và chia sẻ thị trường nhằm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ...

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ, Bộ Công thương cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics cũng như có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp logistics. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có chính sách ưu tiên mở rộng quỹ đất, đầu tư hoàn thiện hạ tầng logistics, nâng cấp và kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải…/.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam