Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được tăng hạng

16:40 | 19/04/2021 Print
Những năm gần đây, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương...

anh mơi

Toàn cảnh Diễn đàn thương hiệu Việt Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

Sáng 19/4, Bộ Công thương đã tổ chức Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2021 và Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2021 tại TP. Hồ Chí Minh.

Hỗ trợ phát triển thương hiệu

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và dài nhất của Chính phủ Việt Nam nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ phát triển thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, gia tăng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, gia tăng niềm tự hào và sức mạnh của đất nước.

Những năm gần đây, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.

Theo báo cáo của Brand Finace, năm 2020, Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu của quốc gia nhanh nhất thế giới (29%), so với năm 2019 lên 319 tỷ USD. Nhờ đó, thương hiệu quốc gia của Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả kinh tế đã đạt được, khẳng định sự uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tham gia vào chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, số lượng doanh nghiệp đã được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng qua các giai đoạn, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 đến năm 2020 đã có 124 doanh nghiệp với gần 300 sản phẩm được công nhận thương hiệu quốc gia, trong đó, nhiều thương hiệu đã gây tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thực tế

Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thị trường này có 420 triệu dân. Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần đồng bộ hóa các thị trường. Hiện nay chúng ta đã minh bạch về thị trường lao động, tài chính, bất động sản, riêng về thị trường công nghệ thì còn khiếm khuyết. Theo ông Phạm S, khi minh bạch về thị trường công nghệ, chúng ta mới xác định và định giá được sở hữu trí tuệ, chuyển giao giữa các doanh nghiệp, góp vốn trong chuyển giao giữa các doanh nghiệp, có như vậy mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thực tế.

“Chúng tôi nghĩ đây là những vấn đề mà Nhà nước cần quan tâm. Đặc biệt là Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ ngành khác cần có những giải pháp tham mưu cho Chính phủ, có như thế chúng ta mới đủ sức hội nhập tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu”- ông Phạm S nói.

Đề cập đến định lượng giá trị thương hiệu, ông Lại Tiến Mạnh - chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực tư vấn giải pháp về chiến lược marketing và thương hiệu tại Việt Nam cho rằng, quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế rất cần sự chỉnh chu, chi tiết, kỹ càng.

Việt Nam có những doanh nghiệp được định giá rất cao như: Viettel (8 tỷ USD), Vinamilk (5 tỷ USD), VNPT, Mobifone được định giá khoảng 1 tỷ USD… Ngoài ra, Việt Nam còn có những thương hiệu phần mềm về blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)…

Vậy thì các thương hiệu doanh nghiệp cũng hoàn toàn được quy đổi và được định giá để so sánh với các đối thủ từ nước ngoài. Trong một thế giới phẳng, cộng đồng quốc tế so sánh các giá trị thương hiệu với nhau thì hoàn toàn dùng thang giá trị thương hiệu để đứng ra so sánh, ông Lại Tiến Mạnh nói./.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam