Giá dầu trên thị trường thế giới ghi nhận mức tăng mạnh theo tuần

07:31 | 18/04/2021 Print
Giá dầu thế giới tuy giảm nhẹ trong phiên 16/4, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng theo tuần nhờ những dấu hiệu phục hồi kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ, bù đắp cho những lo ngại về tình trạng số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng ở các nền kinh tế lớn khác.

giàn khoan

Giàn khoan dầu của Nga trên Biển Caspi.

Phiên này, giá dầu Brent giảm 17 xu Mỹ (tương đương 0,3%) xuống 66,77 USD/thùng, qua đó dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 33 xu (0,5%) xuống 63,13 USD/ounce.

Dữ liệu chính thức cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2021 của Trung Quốc tăng tới 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin này được đưa ra sau khi Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ tăng mạnh trong tháng 3 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Ông Bob Yawger, Giám đốc mảng hợp đồng năng lượng kỳ hạn tại ngân hàng Mizuho, cho biết các số liệu kinh tế mạnh mẽ như trên là một bước phát triển rất tích cực cho nhu cầu năng lượng.

Nhìn chung, thị trường năng lượng đã có một tuần giao dịch khá sôi động với 4 phiên tăng liên tiếp và chỉ 1 phiên giảm nhẹ.

Sau hai phiên 12-13/4 tăng ổn định, giá dầu thế giới bất ngờ tăng gần 5% trong phiên 14/4, khi một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã thúc đẩy tâm lý lạc quan về sự phục hồi nhu cầu.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,91 USD, hay 4,6%, lên 66,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,97 USD, hay 4,9%, và đóng phiên ở mức 63,15 USD/thùng.

IEA cho biết, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 5,9 triệu thùng trong tuần trước, vượt dự đoán giảm 2,9 triệu thùng của giới phân tích khi hoạt động lọc dầu tăng lên tại nước này.

Tổ chức trên cũng dự đoán nguồn cung và nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tái cân bằng trong nửa cuối năm nay. IEA còn cho rằng khi đó, các nhà sản xuất có thể sẽ phải tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu.

Giá dầu thế giới tiếp tục leo lên mức cao mới của bốn tuần trong phiên 15/4 nhờ số liệu kinh tế tích cực từ Mỹ và dự báo nhu cầu cao hơn từ IEA và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong bối cảnh các nước bắt đầu phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Sau khi tăng gần 5% trong phiên 14/4, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 36 xu Mỹ (0,5%) lên 66,94 USD/thùng vào ngày 15/4, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 31 xu Mỹ (0,5%) lên 63,46 USD/thùng. Đây là các mức đóng phiên cao nhất của hai hợp đồng dầu chủ chốt kể từ ngày 17/3.

Dù giảm nhẹ trong phiên 16/4, tính chung trên cả tuần, dầu WTI vẫn ghi nhận mức tăng giá 6,4%, trong khi dầu Brent tăng 6,1%. Đây đều là mức tăng hàng tuần tốt nhất cho cả loại dầu tiêu chuẩn kể từ tuần kết thúc vào ngày 5/3.

Giá dầu đã phục hồi từ mức thấp do đại dịch gây ra vào năm ngoái, nhờ kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục của OPEC và các đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+).

Một số yêu cầu hạn chế sản xuất dự kiến sẽ được OPEC+ nới lỏng bắt đầu từ tháng Năm. Nhóm này sẽ họp vào ngày 28/4 để cân nhắc các điều chỉnh khác đối với thỏa thuận kiểm soát nguồn cung.

Tuy nhiên, nhà sản xuất đối thủ của OPEC+ là Mỹ đã ghi nhận số lượng giàn khoan tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo báo cáo mới công bố ngày 16/4 của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co.

Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn là một mối quan tâm chính của thị trường, do nó có khả năng gây gián đoạn nền kinh tế và đẩy nhu cầu năng lượng xuống thấp hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 16/4 cảnh báo rằng tổng số ca được xác nhận nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong hai tháng qua và hiện đang tiến gần đến tỷ lệ cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Số ca bệnh đang tăng lên ở hầu hết các khu vực, bao gồm cả châu Mỹ, với Ấn Độ, Brazil, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành những điểm nóng.

Ngoài ra, thị trường cũng sẽ để mắt đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran khi hai nước đang nỗ lực hướng tới một thỏa thuận hạt nhân mới./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam