Tỷ lệ hàng Việt Nam xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế từ CPTPP mới đạt 4%

17:25 | 07/04/2021 Print
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam vẫn rất thấp, mức dưới 2% vào năm 2019 và tăng lên gấp đôi, tức chỉ 4% vào năm 2020.

hội thảo

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Nam.

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo “Hai năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam - đánh giá góc nhìn từ doanh nghiệp”, do VCCI tổ chức ngày 7/4, tại Hà Nội.

Doanh nghiệp chưa chủ động tận dụng CPTPP

Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp đánh giá sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ sẽ cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ CPTPP và các hiệp định trong tương lai. Tiếp theo đó là các biến động và bất định của thị trường.

Trong đó, có tới 3/4 số doanh nghiệp cho biết, họ đã và đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng các hiệp định này. Đầu tiên là điều chỉnh để củng cố, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Sau đó, tính toán tận dụng các cơ hội thị trường trực diện từ CPTPP và các hiệp định thương mại (FTA). Cuối cùng là các kế hoạch để sẵn sàng cho những cơ hội tầm xa.

Theo ông Lộc, về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP, có 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định. Tuy nhiên, 20 doanh nghiệp mới chỉ có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Kết quả này cho thấy, với một FTA khó và phức tạp như CPTPP thì cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Trên thực tế, những điểm cần khắc phục để tận dụng CPTPP đã được nêu ra từ trước khi hiệp định có hiệu lực, như sự chủ động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vấn đề này các bộ, ngành đã phổ biến nhiều nhưng mức độ chủ động của doanh nghiệp còn chưa cao” - ông Lộc cho hay.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), trên trang web của chúng tôi có rất nhiều thông tin về CPTPP, các giải đáp nếu doanh nghiệp cần đều có, chia sẻ miễn phí, nhưng thực tế, số doanh nghiệp chủ động tìm đến vẫn rất thấp; doanh nghiệp cũng còn thờ ơ với các tác động của CPTPP và các FTA.

Nguyên nhân không tận dụng ưu đãi thuế

Lý giải nguyên nhân chưa tận dụng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định CPTPP của doanh nghiệp, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xét về nguyên nhân khách quan thì các ưu đãi thuế quan CPTPP giai đoạn đầu còn thấp so với ưu đãi của các FTA mà Việt Nam đã có với cùng các đối tác.

Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ của CPTPP tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA, đòi hỏi thời gian để tìm hiểu và điều chỉnh sản xuất. Nhưng nếu nhìn ở góc chủ quan cũng không thể bỏ qua những hạn chế đáng kể từ góc độ chủ quan trong nhận thức hay năng lực tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, điểm tích cực là ở các thị trường chưa từng có FTA với Việt Nam trước CPTPP như Canada hay Mexico, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan ngay trong năm đầu đã đạt mức 7,26 - 8%, không thấp hơn so với tỷ lệ tận dụng nhiều FTA khác trong năm đầu thực thi.

Trong khi đó, khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này (với 64% doanh nghiệp nhóm này cho rằng CPTPP không tác động gì, với các FTA khác cũng như vậy). Dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các FTA chưa chạm tới khu vực doanh nghiệp này.

Như vậy, lý do khiến doanh nghiệp không tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP tập trung ở 2 nhóm chính. Một là, các lý do “tích cực” như thuế MFN đã là 0% nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan (43% doanh nghiệp đề cập), hay đã sử dụng ưu đãi thuế theo các FTA khác (37%)...

Hai là các nguyên nhân “tiêu cực”, như không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ (40%), gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ (20%), thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết (15%)... Đáng chú ý, lý do lớn nhất mà cũng gây tiếc nuối nhiều nhất, là việc doanh nghiệp không biết về ưu đãi thuế CPTPP cho lô hàng của mình.

Đánh giá về kết quả tận dụng ưu đãi thuế, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam vẫn rất thấp, mức dưới 2% vào năm 2019 và tăng lên gấp đôi, tức chỉ 4% vào năm 2020. Trong 6 thị trường lớn xuất khẩu, đáng chú ý có Canada, Mexico dù là các thị trường mới, nhưng lại là thị trường có tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan cao nhất, giúp tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường này lần lượt là 29% và 26,2% so với năm trước…/.

Văn Nam

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam