Bứt phá mạnh mẽ, xuất khẩu rau quả ghi dấu ấn tại nhiều thị trường lớn

14:05 | 06/04/2021 Print
Vượt qua khó khăn do đại dịch bùng phát trở lại, xuất khẩu hàng rau quả trong quý I/2021 đạt được bước tiến mới, bứt phá tại nhiều thị trường lớn, giàu tiềm năng. Dự báo, nếu tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, rau quả Việt sẽ còn nhiều "mối" để phát triển đột phá.

XK RAU QUA

Doanh nghiệp nên tiếp tục hướng đến "đánh mạnh" vào các thị trường có FTA. Ảnh: TL

Tăng trưởng mạnh tại nhiều thị trường

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam diễn ra khá sôi động trong 3 tháng đầu năm 2021. Ước tính, xuất khẩu hàng rau đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, bên cạnh thị trường truyền thống Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam còn có một số thị trường "mới nổi" với kim ngạch nhập khẩu tăng cao.

Trong đó, điển hình là thị trường Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…Đặc biệt, trong tháng 3/2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Đài Loan, Australia, Malaysia tăng rất mạnh với trị giá lần lượt: Đài Loan đạt 12,87 triệu USD (tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2020); Australia đạt 11,9 triệu USD (tăng 30,6%); Malaysia đạt 9,2 triệu USD (tăng 32,5%).

Đáng chú ý, thị phần hàng rau củ của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của thị trường Đài Loan tăng mạnh. Xuất khẩu hàng rau quả quý I/2021 ước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, thị trường Đài Loan nhập khẩu hàng rau từ Việt Nam với lượng chiếm tỷ trọng cao nhất với 16,1% tổng lượng nhập khẩu, tăng 10,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Trong 2 tháng đầu năm 2021, lượng và trị giá nhập khẩu hàng rau củ từ Việt Nam tăng rất mạnh đạt 7,29 nghìn tấn, trị giá 5,5 triệu USD, tăng 296,4% về lượng và tăng 197,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2021, ngành hàng rau quả nước ta đã đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng lớn khác như: Ai Cập, Kuwait, Ukraine, Senegal...Đây sẽ là những thị trường giúp ngành hàng rau quả Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

Tận dụng triệt để các thị trường có FTA

Trước bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với những tiềm năng, nền tảng thuận lợi cùng các cơ hội đến từ ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp nên tiếp tục hướng đến "đánh mạnh" vào các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, thời gian qua, tại một số thị trường xuất khẩu lớn của nước ta như EU, Trung Quốc đã thực hiện siết chặt xuất khẩu đối với nông sản nhập khẩu, đề cao chất lượng, tính an toàn. Đơn cử thị trường Trung Quốc trong năm 2021 tiến hành nghiêm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR code và cấm xuất khẩu tiểu ngạch. Trong khi đó, doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn về vận chuyển, giá cước tăng cao, thiếu container rỗng, đường hàng không trục trặc…

Theo đó, ông Hải chia sẻ, ngành nông sản Việt nên hướng đến tận dụng cơ hội từ thị trường FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Đơn cử, theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA), hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%.

Bên cạnh đó, cam kết giảm thuế 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp trái cây Việt tiến nhanh vào thị trường châu Âu. Nhất là khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, xuất khẩu trái cây sang thị trường này dự báo sẽ tăng trưởng đột biến.

Ngoài ra, các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Tự do thương mại (FTA) ASEAN - Newzeland (AANZFTA)… với mức giảm thuế cao cũng sẽ là đòn bẩy để rau quả Việt nâng cao kim ngạch tại các thị trường nội khối…/.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam