Xuất khẩu bứt phá quý đầu năm bất chấp khó khăn

23:12 | 31/03/2021 Print
Kết thúc quý I, trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát, xuất khẩu vẫn vươn lên đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, thị trường nhập khẩu nảy sinh những thách thức mới…

xk thuy san

Xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với nhiều quy định khắt khe, nghiêm ngặt từ thị trường nhập khẩu. Ảnh: TL

Quý I, xuất khẩu bứt phá mạnh mẽ

Bộ Công thương đánh giá, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong quý I/2021.

Báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu của Bộ này cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, ước tính đạt 152,65 tỷ USD (tăng 24,1%). Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, (tăng 22%), nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD (tăng 26,3%). Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2021 ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 41,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,79 tỷ USD, tăng 44,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,81 tỷ USD, tăng 40,7%.

Có thể thấy, mức tăng trưởng trên tương đối cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á như Indonesia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…

Bên cạnh đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ghi nhận sự phục hồi trở lại khi tăng 4,9% so với cùng kỳ, trong khi khối FDI tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng chung mới ở mức 28,5%.

Đáng chú ý, trong quý đầu năm có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD là điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 14,1 tỷ USD, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,1 tỷ USD; hàng dệt may đạt 7,2 tỷ USD.

Qua đó cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu trong quý I/2021, chiếm tới 87,13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Đặc biệt, cùng với nhu cầu tăng trở lại, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng. Giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Gạo tăng 18,6%; cà phê tăng 6,8%; chè tăng 10,2%; cao su tăng 14,1%... nhất là giá hạt tiêu tăng mạnh nhất với 31,5%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2021 tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,69 tỷ USD. Như vậy là cơ cấu nhập khẩu đã có những cải thiện đáng kể ngay cả trong bối cảnh bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch.

Khó khăn vẫn bủa vây phía trước

Bộ Công thương nhận định, trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, các Hiệp định thương mại tự do được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, thu hút dòng vốn FDI, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao đạt kết quả tích cực…

Trong đó, các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi, giảm thiểu các rào cản.

Hơn nữa, hiện nhu cầu toàn cầu đang cải thiện khi nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin Covid-19, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ, qua đó giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng đánh giá, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn phức tạp. Đơn cử tại châu Âu, nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực như Đức, Pháp, Italia…tiếp tục phải gia hạn lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực trên cả nước. Có thể thấy, diễn biến gia tăng của đại dịch có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác.

Hơn thế nữa, hiện nay, chi phí “đầu vào” như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng. Điều này sẽ gây cản trở việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Công thương cũng cho hay, thời gian gần đây các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng chủ lực này của nước ta, thông qua đó gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thời gian tới.

Đơn cử, một số thị trường nhập khẩu đã thay đổi quy định về chứng nhận an toàn thực phẩm nhập khẩu, như Hàn Quốc yêu cầu các nhà xuất khẩu phải có chứng nhận chứng mình rằng các sản phẩm thủy sản không nhiễm virus p1, vius hồ cá rô, virus viêm gan tụy hoại tử, salmonid alphavirus và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Quy định này sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/8 tới. Hay, thị trường Australia quy định sản phẩm tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang nước này phải được kiểm tra, phân hạng tại cơ sở chế biến được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận và kiểm soát; không có các dấu hiệu mắc bệnh; mỗi lô tôm sản xuất (sau chế biến) được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với virus đốm trắng, đầu vàng…/.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam