Ngân sách sẽ căng thẳng hơn nếu đại dịch kéo dài

14:50 | 31/03/2021 Print
Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm. Theo đó, thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn...

KTQD

Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận về chủ đề kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng kinh tế năm 2021. Ảnh: PV

Khả năng chống chịu của nền kinh tế phụ thuộc vào dư địa chính sách

Sáng 31/3, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD), phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup, đã tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021; đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020.

Theo PGS, TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD, ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2020 có chủ đề là "Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển", do PGS.TS. Phạm Hồng Chương, PGS.TS Bùi Đức Thọ, PGS.TS. Tô Trung Thành và PGS.TS Phạm Thế Anh đồng chủ biên. Sản phẩm nghiên cứu thường niên này của trường có mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2020, đánh giá các chính sách ứng phó đối với đại dịch COVID-19 của Chính phủ trong năm 2020, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

So với các nước trong khu vực, kế hoạch và dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 khả quan hơn. Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho cả năm 2021 là 6,5%, các dự báo của các tổ chức quốc tế thậm chí còn cao hơn như IMF dự báo tăng trưởng 6,7% và WB dự báo tăng trưởng 6,8%. Tuy nhiên, các chuyên gia trường Đại học KTQD đánh giá mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% theo kế hoạch của Chính phủ là rất khó khăn trong bối cảnh diễn biến của đại dịch COVID-19 còn rất khó lường.

Theo PGS.TS Tô Trung Thành - đồng chủ biên ấn phẩm phân tích, thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ như thế nào nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới, mà sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm. Theo đó, thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Bong bóng giá tài sản là rủi ro đáng quan ngại

Do đó, khuyến nghị về chính sách ở cấp độ định hướng vĩ mô, PGS.TS. Tô Trung Thành cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. "Năm 2020, mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng bong bóng giá tài sản là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. Giá chứng khoán và bất động sản đều tăng bất thường trong năm 2020" - ông Tô Trung Thành cho biết.

Đồng thời, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức; tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ lợi nhuận hoặc hàng hóa xa xỉ là chưa phù hợp cần được thiết kế lại. Đối với khu vực doanh nghiệp, nếu nguồn lực tài chính cho phép, để hỗ trợ đúng đối tượng và thiết thực hơn, các chính sách nên được thiết kế lại hướng vào hỗ trợ chi phí thay vì lợi nhuận.

Về chính sách tài khoá, các chuyên gia cho rằng các chính sách hỗ trợ hiện đang được thực hiện còn dàn trải. Do vậy, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch.

Một khuyến nghị nữa được nhấn mạnh là các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp thứ tự ưu tiên hàng đầu. Dịch COVID-19 còn có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào; do vậy, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ, Chính phủ cần có những đánh giá kịp thời việc thực hiện chính sách để phát hiện những bất cập, từ đó kịp thời điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ cũng như cách thức thực hiện các chính sách hỗ trợ này.

Đặc biệt, đối tượng thụ hưởng nên được mở rộng và chú trọng tới nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động thuộc khu vực phi chính thức. Trong dài hạn, Việt Nam nên xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật hàng năm các thông tin về người lao động để các gói hỗ trợ tương tự trong tương lai (nếu có) sẽ được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, và ít tốn kém nguồn lực.

Ngoài ra, Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong việc đào tạo kỹ năng cho người lao động trong thời gian giãn việc, nghỉ việc. Đồng thời, người lao động, dù tạm thời chưa có việc làm, nên được phép tiếp tục duy trì tham gia BHXH, từ đó được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam