Gói kích cầu 1.900 tỷ USD của Hoa Kỳ: Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu tận dụng tốt

10:29 | 24/03/2021 Print
(TBTCVN) - Chính phủ Hoa Kỳ mới đây đã tung ra gói kích cầu mới 1.900 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế. Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cũng sẽ có tác động tích cực từ gói kích cầu này và chắc chắn sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế trong năm nay.

9

Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu sẽ được lợi

Bình luận về tác động của gói kích cầu mới 1.900 tỷ USD của Hoa Kỳ, TS. Burkhard Schrage - Chủ nhiệm bộ môn Thạc sĩ quản trị kinh doanh và Quản trị tại Đại học RMIT cho rằng, gói hỗ trợ này là một tin tuyệt vời cho nền kinh tế Việt Nam và chắc chắn sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế trong năm nay.

“Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam chủ yếu là điện tử, tiêu dùng, may mặc và giày dép. Những sản phẩm này có thể được mua bằng tấm séc trị giá 1.400 USD mà hầu hết các hộ gia đình đủ điều kiện ở Hoa Kỳ sẽ sớm nhận được” - TS. Burkhard Schrage nhấn mạnh.

Theo phân tích của ông Schrage, giá hàng hóa đã tăng trong nửa cuối năm ngoái khi đại dịch được dự đoán sẽ dần đi đến hồi kết. Thị trường thế giới trong những tháng tới có thể sẽ tiếp tục cải thiện nhờ nhu cầu tiêu thụ mới tại Hoa Kỳ sau gói kích cầu này. Tại Hoa Kỳ, các công ty trong ngành sản xuất, bán lẻ, ngân hàng hoặc các ngành tương tự sẽ có cơ hội hưởng lợi hơn từ gói hỗ trợ. Điều này giải thích tại sao trong những ngày qua chỉ số Dow Jones – trong đó các công ty truyền thống có trọng số lớn – đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, trong khi chỉ số NASDAQ nghiêng về công nghệ đã mất giá trị. Rõ ràng, các nhà đầu tư dự đoán phần lớn gói hỗ trợ sẽ chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty thuộc “nền kinh tế cũ”.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Chí Hiếu cũng cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế mới của Hoa Kỳ. Theo ông, khi nền kinh tế Hoa Kỳ được bơm một lượng tiền rất lớn vào trong lưu thông (1.900 tỷ USD), tương đương với mỗi hộ gia đình nhận được khoản hỗ trợ 1.400 USD/người. Số tiền này họ sẽ sử dụng cho tiêu dùng là chủ yếu nên sẽ kích thích tiêu dùng.

Cũng theo TS. Nguyễn Chí Hiếu, gói kích thích kinh tế này còn có tác động tích cực về mặt đầu tư từ Hoa Kỳ sang Việt Nam nhưng không trực tiếp mà là gián tiếp, vì gói cứu trợ nền kinh tế này chủ yếu là cho đầu tư và cho tiêu dùng. Khi nền kinh tế của Hoa Kỳ được kích thích thì hoạt động đầu tư cũng được kích thích cùng với đó.

Nguy cơ “xuất khẩu lạm phát” có đáng lo?

Ngoài tác động tích cực, cũng có ý kiến cho rằng, việc Hoa Kỳ và các nước phát triển tung ra các gói cứu trợ, bơm tiền nhiều vào lưu thông giúp làm giảm khó khăn cho họ nhưng cũng chất thêm khó khăn cho các nước đang và kém phát triển, có nguy cơ “xuất khẩu lạm phát” sang các nước đang và kém phát triển. Do độ trễ của “sóng lạm phát” nên tác động trên sẽ đến chậm hơn. Việt Nam là quốc gia có độ mở thương mại lớn và Hoa Kỳ là thị trường chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên nguy cơ này với Việt Nam không phải là không có căn cứ.

Cho ý kiến về nguy cơ “xuất khẩu lạm phát” từ Hoa Kỳ sang Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cũng có thể có tác động nhưng không nhiều. Bởi vì gói kích thích nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ đẩy giá trị đồng USD xuống thấp hơn. Khi đồng USD mất giá, giá trị nhận được khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng sẽ bị suy giảm. Khi lạm phát trên đồng USD ở Hoa Kỳ xảy ra, dĩ nhiên các nước nhận đồng USD khi xuất khẩu vào thị trường này như Việt Nam sẽ bị “nhập khẩu lạm phát” từ Hoa Kỳ.

“Nhưng có lẽ điều đó không nên quá lo lắng, vì nếu có thì mức lạm phát của Hoa Kỳ theo tôi quan sát là rất thấp, hiện là 2%. Nếu xảy ra lạm phát cũng không cao, dưới 4%”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc lạm phát của Hoa Kỳ tăng lên dĩ nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Muốn hạn chế tác động “nhập khẩu” lạm phát nêu trên với Việt Nam chỉ có thể giảm xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ để xuất khẩu sang các nước khác. Nhưng rõ ràng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tới 20% kim ngạch xuất khẩu nên giới hạn xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn hơn. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, khó có thể tiêu trừ tác động tiêu cực này nhưng nguy cơ của nó không đáng lo.

Lợi ích sẽ nhiều hơn

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Toàn của Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, nhìn chung tác động từ gói kích thích kinh tế mới của Hoa Kỳ có cả lợi ích và rủi ro đối với Việt Nam, nhưng lợi thì nhiều hơn. Gói kích thích này hướng vào tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng tại Hoa Kỳ nên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang đó sẽ tiêu thụ tốt hơn. Về măt tiêu cực của sóng lạm phát từ gói này, nó sẽ ảnh hưởng chung đến các nước có giao thương với Hoa Kỳ chứ không riêng gì Việt Nam. “Tuy nhiên, điều đó cũng không quá lo lắng. Khi kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tự tin với hàng hóa của mình thì nguy cơ này có thể khắc phục được”, ông Toàn nhấn mạnh.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam