Tìm kiếm giải pháp giúp ngành mía đường phát triển bền vững

17:38 | 23/03/2021 Print
Thị trường mía đường trong nước đã có những tín hiệu tích cực chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.

mia duong

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: H.Q

Giá mía đường trong nước tăng nhờ các biện pháp bảo hộ

Tại Tọa đàm trực tuyến: "Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường" do Báo Nhân dân tổ chức chiều 23/3/2021, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, thị trường mía đường trong nước đã có những tín hiệu tích cực chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Năng lực sản xuất trung bình của Việt Nam hàng năm đạt 1-1,3 triệu tấn đường trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và cho sản xuất chế biến là khoảng hơn hai triệu tấn/năm.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020 đạt hơn 1,5 triệu tấn. Do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến trong năm 2020 nên sản lượng sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể (niên vụ 2019-2020 ép chưa được 900 nghìn tấn đường so với trung bình hàng năm trên 1,2 triệu tấn đường).

Tháng 1/2021, đường nhập khẩu vẫn tiếp tục đạt mức cao, đạt 113 nghìn tấn, do các doanh nghiệp chủ động tăng nhập khẩu để dự trữ nguồn hàng trước khi quyết định áp thuế phòng vệ thương mại của Bộ Công thương có hiệu lực (Quyết định số 477/QĐ-BCT ban hành ngày 9-2-2021 và có hiệu lực sau bảy ngày là ngày 16-2-2021).

“Tuy chưa có số thống kê chính thức của cơ quan Hải quan trong tháng 2/2021, nhưng đã có một số dấu hiệu tích cực từ khi Quyết định số 477 có hiệu lực như: Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020. Giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50 nghìn – 100 nghìn đồng/tấn (giá mua trung bình hiện tại dao động khoảng 950 nghìn - 1 triệu đồng/tấn)”, bà Trang thông tin.

Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với đường nhập khẩu là cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước cạnh tranh không lành mạnh từ đường nhập khẩu. Nhờ đó, đã tạo hiệu ứng tốt cho các nhà máy sản xuất trong nước, tăng giá mua mía nguyên liệu cho nông dân từ 10-13% so với trước khi áp thuế tạm thời. Ông Trung khẳng định, tới đây sẽ kiến nghị Bộ Công thương ban hành quyết định áp thuế tự vệ chính thức với sản phẩm mía đường nhập từ Thái Lan.

Doanh nghiệp và nông dân cần kết nối chặt chẽ

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng, việc áp thuế tự vệ tạm thời với đường mía Thái Lan mang ý nghĩa lớn, xác định rõ đường Thái Lan bán phá giá tại thị trường Việt Nam lên tới 48,88%. Với mức bán phá giá này, dẫu ngành mía đường có cơ giới hóa, có phát triển cỡ nào cũng không thể chống đỡ nổi.

"Ngành mía đường Việt Nam đã thiệt hại nặng lắm rồi, nên quá trình phục hồi cần một thời gian dài. Cây mía cũng là loại cây đặc biệt, do người sản xuất đường là nông dân, chứ không phải doanh nghiệp. Nếu là quyết định áp thuế tạm thời thì người nông dân chưa yên tâm, cần sớm áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức để nâng được giá thu mua mía, người nông dân có thu nhập tốt để tiếp tục đầu tư phát triển cho cây mía", ông Lộc thông tin.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), dự báo, niên vụ 2020-2021, tiếp tục sẽ thiếu hụt nguồn cung mía nguyên liệu cho các nhà máy. Hiện tại, chỉ còn 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, tổng lượng mía Việt Nam chỉ đạt 5.290.000 tấn mía, tương đương 530.000 tấn đường. Tại thời điểm này, giá đường nội địa Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực. Chính vì vậy, cần có những giải pháp để tăng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tăng sức mạnh của ngành mía đường trong nước.

Bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, cần khuyến khích bà con tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng diện tích và thông qua hợp tác xã nông nghiệp sẽ thu hút chính sách hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ lại cho hộ dân phát triển cây mía; đồng thời những hộ trồng nhỏ lẻ cần chuyển đổi. Mặt khác, cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng để các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng, để phát triển bền vững, vẫn cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân, xây dựng được vùng nguyên liệu mía chất lượng, bền vững; đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam