Xuất khẩu thủy sản: Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường

20:07 | 19/03/2021 Print
Xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm mặc dù đạt kết quả ấn tượng nhưng vẫn gặp khó vì quy định thay đổi liên tục của thị trường nhập khẩu; còn tồn tại những lô hàng thủy sản bị trả về. Vì vậy, thời gian tới ngành thủy sản cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu thị trường.

thủy sản

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL

Số lô hàng thủy sản xuất khẩu bị Trung Quốc trả về tăng đột biến

Tại hội nghị phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 khu vực phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 19/3 tại Hà Nội, ông Ngô Hồng Phong – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, dù chất lượng thủy sản xuất khẩu (XK) đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại những lô hàng thủy sản bị trả về, đặc biệt ở thị trường rất quan trọng là Trung Quốc.

Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng cho thấy, số lượng lô hàng thủy sản XK vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm bị trả về tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm 2021. Đáng chú ý, ở thị trường Trung Quốc có đến 15/40 lô vi phạm bị trả về, trong khi cả năm 2020 số lượng lô vi phạm bị trả về là 6/14 lô.

Ngoài thị trường Trung Quốc, ông Ngô Hồng Phong cho biết them, các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam liên tục có những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản XK. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Cụ thể, tại thị trường Hàn Quốc, các sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của nước này thì sẽ được miễn kiểm dịch. Nhưng theo quy định của Hàn Quốc thì thời gian xử lý nhiệt dài lại gây ảnh hưởng đến cảm quan của sản phẩm như yếu tố màu sắc, mùi vị…

Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để hạn chế những lô hàng thủy sản bị trả về, việc cần làm ngay là giám sát tốt an toàn dịch bệnh để đáp ứng tốt các yêu cầu thị trường. Các địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng vùng, chuỗi cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, đáp ứng các yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của các thị trường.

Ở góc độ hiệp hội, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, các doanh nghiệp thủy sản cần thiết lập và thực hiện hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm trước khi tiêu thụ ra thị trường, nghiêm túc tuân thủ các quy tắc về xuất xứ, nghĩa vụ thuế theo quy định của thị trường để tránh các điều tra về thuế và xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, thiết lập chủ động kênh thông tin giữa nhà nhập khẩu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong XK, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chất lượng thủy sản…

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD

Theo dự báo của Vasep, XK thủy sản của Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh từ tháng 3/2021 do các doanh nghiệp đã có sự quyết tâm và chuẩn bị kỹ từ nguồn cung tới sản xuất để đẩy mạnh XK thủy sản trong năm 2021.

Cụ thể, XK thủy sản trong tháng 3/2021 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các sản phẩm sang Mỹ, Châu Âu và các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ duy trì tích cực nhờ nhu cầu cao và đòn bẩy từ các hiệp định thương mại. Đồng thời, XK thủy sản của Việt Nam trong năm 2021 có thể sẽ tăng hơn so với năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.

Để đạt mục tiêu XK trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khuyến cáo, trong quý I/2021 doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôm ở dạng đông lạnh tới những thị trường lớn có nhu cầu cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Nga. Đồng thời, cần đặc biệt lưu ý các thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do để tăng tính cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm tôm của những đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.

Về phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động XK thủy sản sang Trung Quốc có thể bị chậm ở một số thời điểm. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp XK thủy sản Việt Nam ngày càng nỗ lực tập trung vào sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần đẩy mạnh giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2021.

Năm 2030, Việt Nam phấn đấu xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD; giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Về tầm nhìn đến năm 2045, ngành thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững…/.



Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam