Triển vọng kinh tế khả quan khiến vàng mất ưu thế

08:36 | 15/03/2021 Print
(TBTCVN) - Thị trường vàng thế giới tuần này đã có những giằng co khá mạnh khi lợi tức trái phiếu Mỹ hạ nhiệt, gói cứu trợ “khủng” được thông qua khiến giá vàng được hỗ trợ, song triển vọng kinh tế khả quan lại khiến vàng giảm ưu thế.

15

Giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới đến 8 triệu đồng/lượng

Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng theo sát diễn biến thị trường thế giới, dù vẫn giữ mức chênh lệch khá cao.

Giá vàng giằng co giữa các áp lực

Trong tuần, giá vàng đã tiếp tục xu hướng giảm sâu 2 ngày đầu tuần, xuống đến mức 1.682 USD/ounce, từ mức 1.700 USD/ounce cuối tuần trước. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng, đồng USD duy trì ở mức cao so với nhiều đồng tiền khác khiến vàng giảm sức hấp dẫn. Triển vọng kinh tế khả quan hơn khiến các nhà đầu tư giảm nhu cầu nắm giữ kim loại quý, chuyển dịch vốn sang trái phiếu nên có thời điểm giá vàng mất hơn 30 USD/ounce. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư vàng vẫn bán ra và chưa có dấu hiệu mua vào.

Tuy nhiên, đến ngày 10 và 11/3, vàng lại bật tăng giá mạnh khi lợi suất trái phiếu Mỹ hạ nhiệt và Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, một trong những chương trình cứu trợ lớn nhất trong lịch sử. Điều này có nghĩa là hàng ngàn tỷ USD sẽ được tung ra thị trường trong thời gian tới, có thể khiến đồng USD suy yếu nhanh chóng và thị trường vàng dậy sóng. Giá vàng trong phiên có lúc lên đến 1.739 USD/ounce trước khi đóng cửa ở mức 1.729 USD/ounce.

Nhưng cuộc vui không kéo dài lâu, ngày 12/3 thị trường chứng kiến giá vàng quay đầu đi xuống trong bối cảnh dòng tiền dịch chuyển đến các kênh đầu tư khác, lãi suất phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng, thị trường lạc quan về sự phục hồi của kinh tế giới… Giá vàng chiều ngày 12/3 giao dịch quanh mức 1.711 USD/ounce.

Tại cuộc họp cuối ngày 11/3, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thông báo ECB giữ nguyên lãi suất, đồng thời đưa ra dự báo năm 2021 kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro tăng trưởng 4%, tăng so với dự báo trước là 3,9%. Mỹ công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm cho thấy thị trường lao động tại quốc gia này có dấu hiệu khởi sắc.

Các thông tin này khiến thị trường tin tưởng kinh tế Mỹ và châu Âu sớm hồi phục, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu đi lên. Theo đó, nhu cầu trú ẩn vào vàng giảm đi và các nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản khác có lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu, điều khiến chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đồng loạt tăng điểm.

Theo chuyên gia Mahmoud Abdallah của DailyForex, hiện tại, các mức kháng cự gần nhất của vàng là 1.745 USD, 1.760 USD và 1.775 USD. Nếu vàng giảm giá về trở lại vùng 1.700 USD/ounce thì sẽ là điều nguy hiểm khi ngưỡng tâm lý bị mất và nhiều khả năng xu hướng bán tháo mạnh mẽ sẽ lại xảy ra.

Trong khi đó, chuyên gia Michael Boutros của DailyFX nhận định mức cản gần nhất của vàng là 1.734 USD/ounce (mức mở phiên của ngày đầu tháng 3). Mặc dù vàng đã lên được mức 1.739 USD trong ngày 11/3 nhưng việc không giữ được mốc này đã xác định xu hướng giảm. Ngưỡng kháng cự tốt nhất của vàng trong xu hướng giảm là 1.650 USD/ounce.

Nhìn chung, xu hướng hiện nay của vàng vẫn chưa dứt khoát và các nhà đầu tư đang chờ đợi phiên họp quyết định lãi suất của FED vào ngày 16 - 17/3 tới để xem giá vàng có được “cứu” hay không. Bên cạnh đó, chỉ số USD-Index và lợi suất trái phiếu vẫn là những tín hiệu được các nhà đầu tư theo sát. Cuối tuần này, dự kiến Tổng thống Joe Biden sẽ ký sắc lệnh ban hành gói hỗ trợ kinh tế 1.900 tỷ USD.

Chênh lệch giá cao, đầu tư vàng nhiều rủi ro

Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng biến động theo sát thị trường thế giới, tuy nhiên biên độ không đồng đều. Sáng đầu tuần, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng ở mức 55,25 – 55,65 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó. Ngày 11/3, giá vàng SJC đóng cửa ở mức 55,5 – 55,8 triệu đồng/lượng, tăng đáng kể so với phiên trước đó.

Đến chiều ngày 12/3, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 55,22 – 55,62 triệu đồng/lượng, giảm 280.000 đồng chiều mua vào và 180.000 đồng chiều bán ra so với phiên trước đó. Chênh lệch giá mua và giá bán trong tuần phần lớn duy trì ở mức 400.000 đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng hơn 7 triệu đồng/lượng, mức chênh khá lớn dù đã thu hẹp so với khoảng cách hơn 8 triệu đồng/lượng của vài tuần gần đây.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới đến 8 triệu đồng/lượng là điều không bình thường. Điều này có thể do số kênh đầu tư của người dân bị hạn chế như lãi suất ngân hàng thấp, sản xuất kinh doanh đang chậm lại… nên nhiều người vẫn có ý định mua vàng để tích lũy. Hiểu tâm lý đó nên các doanh nghiệp giữ vàng ở mức giá cao và đẩy rủi ro sang người mua. Không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao, do đó người thiệt hại cuối cùng vẫn là khách hàng.

“Người dân nên ý thức được thời điểm này nếu mua vào sẽ rất rủi ro, nếu có nhu cầu mua vàng thì chỉ mua những món nhỏ chứ không nên đầu tư và cũng không nên bỏ hết trứng vào một giỏ, nên đầu tư vào các kênh khác nhau” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định. Ông cũng lưu ý thêm là đặc biệt khi các nước trên thế giới và Việt Nam đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 thì tình hình dịch sẽ được kiểm soát, vàng sẽ không còn là kênh trú ẩn an toàn của nhà đầu tư.

Đầu tư vào vàng sẽ rất rủi ro

“Người dân nên ý thức được thời điểm này nếu mua vào sẽ rất rủi ro, nếu có nhu cầu mua vàng thì chỉ mua những món nhỏ chứ không nên đầu tư và cũng không nên bỏ hết trứng vào một giỏ, nên đầu tư vào các kênh khác nhau” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam