Doanh nghiệp bất động sản trước "gánh nặng" hàng tồn kho

08:21 | 06/03/2021 Print
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 ngành bất động sản có 978 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,5%. Đáng chú ý, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn kho khoảng gần 9.000 căn.

Tồn kho gần 9.000 căn nhà ở

Báo cáo tình hình tồn kho bất động sản của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến hết quý I/2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch ước tính vào khoảng gần 13.000 căn. Trong quý II và quý III/2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cũng như các khó khăn vướng mắc của cơ chế, chính sách…, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ triển khai các dự án, do đó nguồn cung bất động sản trong giai đoạn này không có sự gia tăng đáng kể.

bất-động-sản-căn-hộ.jpg
Dịch Covid-19 khiến lượng tồn kho bất động sản tăng cao tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Mặt khác, trong thời gian này, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút vốn tốt, được cho là an toàn và lượng giao dịch vẫn khá tốt, vì vậy số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch tính đến hết quý III/2020 ước tính vào khoảng gần 6.000 căn.

Sang quý IV/2020, thị trường được bổ sung thêm ước tính khoảng gần 30.000 căn; đồng thời lượng giao dịch trong quý IV vẫn khá ổn định. Do đó, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch riêng trong quý IV/2020 ước tính khoảng gần 3.000 căn.

Lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn. Trong đó, các khu vực có số lượng bất động sản đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu là các địa phương chịu nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương...

Các tỉnh/thành phố, đô thị lớn, tập trung như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh như Cần thơ, Long An, Đồng Nai cơ bản vẫn giữ được phát triển ổn định của thị trường bất động sản, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng trở lại

Mặc dù lượng hàng tồn kho còn khá lớn, xong ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, kỳ vọng rằng năm 2021, khi năng lực chủ đầu tư được cải tổ, tình hình tài chính doanh nghiệp tốt lên, các vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ cùng với việc chính quyền mới đi vào hoạt động sẽ đẩy nhanh tốc độ các dự án, tạo ra một nguồn cung dồi dào hơn cho thị trường trong năm 2021.

Số liệu thống kê từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, luỹ kế 2 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới là 18.129 doanh nghiệp, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 là 720.407 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020. Có 11/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 1.057 doanh nghiệp, tăng 33,6%.

Nhận định từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, sự tăng trưởng với tỷ lệ cao của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh này một phần do đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu.

Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro và nhiều tiềm năng hơn, như lĩnh vực kinh doanh bất động sản; với bất động sản công nghiệp là điểm sáng của thị trường trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài nhờ các hiệp định thương mại tự do và xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất trên thế giới.

Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, có gần 42% doanh nghiệp đang chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam